Độc đáo sản phẩm đặc trưng tại Hội trại về nguồn năm 2019

Điểm nhấn vô cùng độc đáo của Hội trại về nguồn huyện Sơn Dương năm 2019 được tổ chức trong hai ngày 15 và ngày 16/8, các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, Hợp tác xã có các sản phẩm đặc trưng của địa phương trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại mỗi trại đã tạo sức hút đối với du khách đến tham quan.

 

 

Đại biểu tham quan sản phẩm nông sản của xã Quyết Thắng


Đến tham quan trại của đội chủ nhà xã Tân Trào, các cô gái mặc trang phục của dân tộc Tày say sưa giới thiệu từng loại sản phẩm cho du khách. Tham gia với hội trại, xã Tân Trào trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của địa phương đều được cấp nhãn hiệu hàng hóa gồm; gạo đặc sản mang nhãn hiệu Tân Trào, mật ong, rượu men lá, trà xanh của Làng nghề chè Vĩnh Tân. Riêng rượu men lá có 4 loại sản phẩm với các mẫu mã đóng bao bì sản phẩm khác nhau, tạo điều kiện cho khách hàng lựa chọn. Sản phẩm phấn hoa 100% từ phấn hoa thiên nhiên được phân phối bởi Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao.

 

Du khách tham quan sản phẩm đặc trưng của xã Tân Trào


Tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của xã Phúc Ứng có trưng bày sản phẩm rèn gia truyền của hộ gia đình ông Lương Thế Nho. Ông Nho cho biết; hiện nay sản phẩm rèn gia truyền của gia đình ông đã có 20 loại sản phẩm nông cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như dao, liềm, cày, cuốc…Sản phẩm đã được 56 cá nhân buôn bán ở 11 tỉnh trong nước nhập về bán. Sản phẩm rèn gia truyền được các hộ gia đình ở các nước Trung Quốc, Lào biết đến và sử dụng. 

 

Sản phẩm rèn gia truyền của gia đình ông Lương Thế Nho, xã Phúc Ứng

 

Tham quan gian hàng của xã Lâm Xuyên mới thấy được sự thành công của việc triển khai, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đây là gian hàng có nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, trong đó đáng chú ý là sản phẩm lạc của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Lâm Xuyên. Hiện nay, HTX đã chế biến được 5 loại sản phẩm từ lạc như dầu lạc, kẹo lạc, mứt lạc, lạc nhân. Các sản phẩm đều được dán nhãn hiệu sản phẩm. Ngoài ra, xã Lâm Xuyên còn đem đến tham gia hội trại các sản phẩm sáng tạo kỹ thuật… 

 

Giới thiệu sản phẩm đặc trưng của xã Lâm Xuyên


Công ty TNHH Nhất Tâm Đường, Tuyên Quang đem đến hội trại 9 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất từ cây dược liệu cà gai leo. Trong 2 năm vừa qua, Công ty đã liên kết với 2 xã Sầm Dương và Văn Phú sản suất 10 ha dược liệu cà gai leo với giá ổn định là 25.000 đồng/kg đã phơi khô. Theo anh Trần Văn Đông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhất Tâm Đường; mỗi một sào trồng cây cà gai leo, người dân thu nhập 10 triệu 800 nghìn đồng, tương đương với 296 triệu đồng/ha/năm. 

 

 Công ty TNHH Nhất Tâm Đường giới thiệu sản phẩm được sản xuất từ cà gai leo

 

Cùng với nhóm dược liệu, xã Hợp Hòa có đa dạng sản phẩm đông y thuốc nam gia truyền của dân tộc Dao do ông Dương Trung Liêu, thôn Tân Dân, xã Hợp Hòa chế biến. Sản phẩm cà gai leo của Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Hợp Hòa. Sản phẩm thảo dược trị các loại bệnh, đặc biệt là bệnh hiếm muộn của Công ty cổ phần Nam dược Sơn Dương, tỉnh Vĩnh Phúc có trang trại dược liệu tại xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương.


Sản phẩm đặc trưng tham gia hội trại về nguồn năm 2019 của huyện Sơn Dương đều được các xã, Hợp tác xã nông lâm nghiệp dán nhãn mác trên từng sản phẩm đảm bảo rõ về địa chỉ, nguồn gốc, tạo lòng tin cho du khách và người sử dụng. Độc đáo hơn, nhiều truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất được lưu giữ cho đến ngày nay như: các bài thuốc nam gia truyền của dân tộc chữa các bệnh của con người; sản phẩm mật ong hoa rừng, các loại bánh như bánh khảo xã Tú Thịnh; đồ thủ công truyền thống; các loại củ, quả như dưa hấu, thanh long, bưởi, chanh, nhãn, rau thủy canh do địa phương sản xuất. Nhiều sản phẩm trà xanh đóng gói của các Hợp tác xã, làng nghề chè góp mặt cùng gian hàng trưng bày tại các trại, tạo nên bản sắc riêng của văn hóa các dân tộc huyện Sơn Dương.


Hội trại về nguồn huyện Sơn Dương năm 2019 là dịp để nhân dân trong huyện giới thiệu, quảng bá với du khách trong nước và quốc tế về những sản phẩm độc đáo của địa phương. Đây còn là dịp để địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh nhằm tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo động lực trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu về các sản phẩm đặc trưng.

theo sonduong.gov.vn


 

 


Bài viết liên quan