Lễ hội Thành Tuyên 2019 – Thỏa nỗi chờ mong…

Đã từ lâu, Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành sự kiện thường niên tại Tuyên Quang. Có thể nói, chương trình là thương hiệu “đặc sản” của cả tỉnh Tuyên Quang mà người dân và du khách mong chờ mỗi dịp thu về…

Tinh hoa hội tụ

Có một điểm mới, một điều đặc biệt là Lễ hội thành Tuyên 2019 đồng hành cùng Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất. Sự kết hợp này giúp cho lễ hội năm nay trở nên đặc sắc, hấp dẫn hơn hẳn so với lễ hội các năm trước.

Tiết mục trình diễn Hát Xoan ( Đoàn Phú Thọ).   Ảnh: Minh Hoàng.
 

Theo các chuyên gia văn hóa, Di sản văn hóa phi vật thể  chính là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản vô giá của cộng đồng 54 dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi di sản văn hóa là biểu hiện của sự trường tồn, niềm tự hào lòng tự tôn dân tộc. Bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa không chỉ làm phong phú và đa dạng nền văn hóa Việt Nam mà còn đem lại những giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngày 23.11.1945, chưa đầy 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích”, trong đó coi việc bảo tồn các di sản trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia. Ngày nay, các Di sản văn hóa không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập cho ngành du lịch. Quan trọng và thiêng liêng hơn tất cả, đó còn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc chúng ta về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước.

Với chủ đề “Tuyên Quang – Tinh hoa hội tụ”, 700 nghệ nhân, diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng của 11 tỉnh, thành phố đã giới thiệu đầy đủ các nét văn hóa đặc sắc, tinh túy nhất của các dân tộc ở các địa phương trong cả nước thông qua các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là các di sản: Chầu Văn (Nam Định), Hát Trống Quân (Hưng Yên), Múa Bồng (Lễ hội Làng riều Khú – Hà Nội), Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Múa trống Chhay - dăm (Tây Ninh), Ca Huế (Thừa Thiên Huế), Xòe Thái (Sơn La), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Nông) và đơn vị chủ nhà (Tuyên Quang) với Di sản Then của đồng bào Tày, Lễ cấp sắc của người Dao…


Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa). 


Tiết mục trình diễn Dân ca Quan họ (Bắc Ninh)


Tiết mục trình diễn Múa Bồng của đoàn Hà Nội. 

 

Múa trống Chhay-dam của đoàn Tây Ninh.   
 

Lịch sử và văn hóa của đất nước ta không chỉ lưu trên sử sách mà còn thể hiện trên mọi miền đất nước thông qua hàng vạn di tích lịch sử văn hóa, cùng với đó là kho tàng đồ sộ về di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, công tác bảo vê di sản ở Việt Nam đã được các cấp, các ngành tích cực thực hiện theo nhiều hình thức, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Liên hoan Di sản văn hóa phi vât thể quốc gia vừa góp phần gìn giữ, tôn vinh, quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Với chủ đề “Tinh hoa hội tụ”, Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần giới thiệu rộng rãi với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về giá trị di sản đặc sắc của dân tộc. Đây cũng là dịp đặc biệt để giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất và con người và các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của vùng quê hương cách mạng Tuyên Quang.

Với chủ đề “Tinh hoa hội tụ”, chương trình đã đem đến những tiết mục đặc sắc, ấn tượng. Các nghệ nhân, diễn viên đã tham gia trình diễn một cách chuyên nghiệp, đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng công chúng và du khách. 
 
Lung linh sắc màu
Đã  thành thông lệ, Trung Thu ở Tuyên Quang thường nhộn nhịp, tưng bừng ngay từ đầu tháng 8 âm lịch. Hàng đêm, những mô hình Trung thu khổng lồ với đủ mọi hình thức, kiểu dáng vui tươi kéo dài như bất tận đã diễu hành trên các tuyến phố chính trong thành phố. Theo chủ đề mỗi năm, nhân dân các tổ dân phố đều sáng tạo ra các mô hình đèn trung thu mới lạ đem lại sự thích thú bất tận cho trẻ em và du khách gần xa...


Đêm trăng Trung thu Tuyên Quang 2019

Tham gia diễn diễu tại Đêm hội Thành Tuyên năm nay có 62 mô hình đèn Trung thu độc đáo của người dân thành phố Tuyên Quang và các huyện với nhiều chủ đề khác nhau như: Các nhân vật trong các câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi, con giống ngộ nghĩnh, cảnh nông thôn mới, quảng bá sản phẩm du lịch trên địa bàn… Từ sân khấu chính Quảng trường Nguyễn Tất Thành, các mô hình đã diễn diễu tại một số tuyến phố chính của thành phố Tuyên Quang trước sự hào hứng cổ vũ của người dân và hàng vạn du khách. 

Đêm trăng Trung thu Tuyên Quang 2019

Đêm trăng Trung thu Tuyên Quang 2019

Đêm trăng Trung thu Tuyên Quang 2019

 

Có một diều đặc biệt là năm nay, các mô hình Trung thu chủ yếu là những con vật khá gần gũi trong cuộc sống như gà, chó, voi, thỏ, kiến…các con vật trong truyền thuyết và truyện cổ tích như rồng, phượng, voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao, Thánh Gióng…Ngoài ra còn có các mô hình hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường như tê giác, rùa biển, cá mập…Dân cư các tổ dân phố rất hào hứng tham gia chế tác mô hình và lễ trình diễn để được dịp so tài với các khu dân cư khác về quy mô, sự độc đáo và vẻ đẹp của mô hình khu phố mình.

Để nâng tầm lễ hội theo đúng tinh thần của Ban Tổ chức, các tổ dân phố đã tập trung trí tuệ để xây dựng ý tưởng, thiết kế ra mô hình có tính nghệ thuật cao. Nhiều loại vật liệu mới, công nghệ mới được ứng dụng để mô hình có hình khối, ánh sáng, đường nét đẹp hơn.


Đêm trăng Trung thu Tuyên Quang 2019

Đêm trăng Trung thu Tuyên Quang 2019

 

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, Lễ hội Trung thu Tuyên Quang 2019 đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, thỏa nỗi chờ mong của người dân và hàng vạn du khách. Đây cũng chính là nguyên cớ để mỗi mùa thu về, du khách mọi miền lại rộn ràng trẩy hội Thành Tuyên…

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn


Bài viết liên quan