Đối với người Pà Thẻn, lễ cấp sắc không phải là khẳng định sự trưởng thành của người đàn ông (giống như người Dao), mà là sự công nhận được phép thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, được thần thánh phù hộ và được làm thầy cúng trong các nghi lễ cúng thần thánh, cúng tổ tiên... Vì vậy, chỉ có người đàn ông làm thầy cúng mới được cấp sắc. Có mặt tại nhà anh Húng Văn Tám, sinh năm 1994, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, chúng tôi được chứng kiến và hiểu thêm về nghi lễ độc đáo này khi anh Tám được làm lễ cấp sắc. Sau 2 ngày 2 đêm, anh Tám phải trải qua 8 bước của lễ cấp sắc, sau đó anh Tám mới chính thức được làm thầy theo quan niệm của người Pà Thẻn.
Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình).
Để tổ chức lễ cấp sắc, gia đình anh phải chuẩn bị 2 bộ quần áo đen, 1 bộ cho thầy cúng để tỏ lòng cảm ơn công dạy của thầy, 1 bộ cho người được cấp sắc và một số trang phục khác như: Khăn hoa, khăn đen cuốn đầu, vòng cổ, vòng tay, dây đeo chéo trắng, thắt lưng xanh để trang phục cho trò. Có 3 thầy cúng: 1 thầy chính, 1 thầy phụ giúp thầy chính truyền nghề cho trò và 1 thầy xin cấp lộc cho trò. Gia đình người được cấp sắc phải chọn thêm 4 người nữ biết nghề dệt thổ cẩm dân tộc tham gia và chuẩn bị tiền, rượu nếp, lợn, gà, gạo nếp, tẻ, để phục vụ cho lễ cấp sắc của mình.
Người đàn ông Pà Thẻn muốn được cấp sắc, làm nghề thầy cúng thì phải học cúng trong một thời gian dài, vì đây là điều kiện bắt buộc trước khi được thực hiện nghi lễ cấp sắc. Trước khi làm lễ, người được cấp sắc phải làm một lễ làm ma vào đêm 30 Tết. Nghi lễ cấp sắc của người Pà Thẻn có hai loại: Nghi lễ cấp sắc để được phép bói bệnh và nghi lễ cấp sắc hành nghề thầy cúng. “Theo phong tục của dân tộc mình, để có một người thầy cúng phải làm lễ cấp sắc. Sau này tổ tiên sẽ ưng thuận cho người ấy làm nghề thầy cúng. Thời gian tổ chức lễ cấp sắc là theo người thầy, người thầy tính đúng vào năm đấy, năm tốt, tháng tốt, ngày tốt… là báo cho gia đình chuẩn bị để làm lễ cấp sắc”. - Thầy cúng Húng Văn Hin, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang nói.
Trước khi nghi lễ diễn ra và làm lễ cho học trò cần phải chuẩn bị đồ, lễ vật để làm lễ chính; bắt đầu làm lễ và đi qua các cơ quan xin dấu, xin lộc, xin quân cho học trò. Thầy cũng xin các thần linh, thổ công, thổ địa, tà ma, tạ lễ để báo cáo xin dấu, xin lộc, cho học trò hành nghề cúng cứu người... Kết thúc lễ cấp sắc, thầy cúng phải thực hiện thêm hai lễ, đó là: Lễ trả ơn thần thánh và lễ cúng tổ tiên, bà mụ. Sau khi lễ cấp sắc kết thúc, người thụ lễ 12 ngày không được qua suối, leo đồi; 7 ngày không được ngủ chung cùng vợ, không được ăn các loại thịt; 4 ngày sau mới được tắm. Bảy ngày sau khi được cấp sắc, người được cấp sắc lại theo thầy đi làm lễ để tiếp tục học cúng. Vào dịp Tết hàng năm, người được cấp sắc phải đến nhà người thầy cúng đã cấp sắc cho mình để xin lộc và chúc Tết vào ngày mùng 2 Tết. Khi người thầy qua đời, người được cấp sắc phải mang 1 con gà trống đến để tạ và chịu tang như con, cháu trong gia đình.
Theo ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, để gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, xã rất quan tâm và tạo điều kiện cho bà con duy trì, phát triển các phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là việc phục dựng lại lễ cấp sắc của đồng bào. Đây là một tập quán không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của ông cha về sự gắn kết cộng đồng, chia sẻ những điều tốt đẹp cho nhau.
Theo baotuyenquang.com.vn