Dấu ấn du lịch Lâm Bình năm 2019

Năm 2019 đã khép lại, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Bình đều đạt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, du lịch là một trong những lĩnh vực đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét nhất, góp phần thúc đây kinh tế - xã hội của huyện phát triển đúng hướng.

Huyện Lâm Bình có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong vùng. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước hồ sinh thái Lâm Bình - Nà Hang rộng trên 8.000 ha, trong đó Lâm Bình có trên 4.000 ha đã trở thành một vùng hồ rộng lớn với nhiều điểm thăm quan, trải nghiệm hấp dẫn. Những năm gần đây huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư tập trung vào các xã Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên và khu vực lòng hồ sinh thái. Tập trung phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng homestay, khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch như: các dịch vụ trải nghiệm, quà lưu niệm. Tính đến hết tháng 12/2019,  Lâm Bình đón trên 120.000 lượt khách du lịch, đạt trên 300% so với năm 2018, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 72 tỷ đồng. Khách du lịch đến Lâm Bình trong năm nay vẫn chủ yếu tập trung tại các khu, điểm du lịch chính của huyện như: các danh thắng ở khu vực hồ sinh thái Nà Hang - Lâm Bình và các điểm du lịch Homestay  tại các xã Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Hồng Quang.

Mặc dù mùa Đông nhưng lượng khách đến thăm quan, trải nghiệm trên khu vực lòng hồ sinh thái vẫn khá đông

Song song với du lịch sinh thái việc giữ gìn và phát huy  bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn cũng được người dân quan tâm. Các làn điệu dân ca, dân vũ được gìn giữ và khôi phục thông qua việc thành lập các đội văn nghệ, các câu lạc bộ hát then, hát cọi, hát Páo dung, múa khèn…  Các sản phẩm du lịch từng bước được đầu tư đa dạng, phong phú, các dịch vụ phục vụ cũng được chuyên nghiệp hóa đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách. Đặc biệt là nhu cầu thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc. Từ họat động du lịch đã tạo ra việc làm thường xuyên cho người dân địa phượng, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, đồng thời tạo ra diện mạo mới cho các khu dân cư có hoạt động du lịch phát triển mạnh. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương rất phong phú, bắt đầu từ cuối năm 2018 Hợp tác xã thanh niên Thượng Lâm đã quyết định đầu tư vào làm du lịch. Quy mô đầu tư phát triển du lịch của HTX là xây dựng cơ sở homestay gắn với không gian văn hoá dân tộc Tày gồm: Nhà sàn, khu trưng bày các vật dụng, công cụ lao động, trang phục dân tộc Tày; các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch lòng hồ,…  Sau hơn một năm đầu tư vào lĩnh vực du lịch, HTX đã đón tiếp gần 5.000 lượt khách du lịch.

Du khách thăm quan, vãn cảnh chùa Phúc Lâm, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình

Năm 2019 là năm mà ngành du lịch của tỉnh Tuyên Quang nói chung, huyện Lâm Bình nói riêng đã có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ cho công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Tuyên Quang cũng như của Lâm Bình. Nhiều chuyến công tác học tập kinh nghiệm, xúc tiến du lịch tại các tỉnh bạn, đã mang lại hiệu quả tích cực trong thu hút du khách và các nhà đầu tư, mang đến các sản phẩm du lịch đa dạng, bổ sung cho thị trường du lịch. Đặc biệt là năm 2019, UBND huyện Lâm Bình phối hợp với Trường Đại học Tân Trào, Trường Đại học Sakon Nakhon (Thái Lan) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc tế “Du lịch Lâm Bình, Tuyên Quang: Tiềm năng, thực trạng và giải pháp”. Thông qua Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo tham luận và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp của các nhà khoa học, chuyên gia, học giả, nhà quản lý trong nước và quốc tế về tiềm năng, lợi thế, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Đó là những nội dung, những ý kiến thực sự tâm huyết, trí tuệ, là những luận cứ khoa học, thực tiễn quý giá về kinh tế du lịch nói chung, về tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển kinh tế du lịch của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Kết quả này có giá trị to lớn giúp huyện Lâm Bình có những định hướng quy hoạch, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của thiên nhiên, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số để phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; đồng thời đây cũng là dịp trang bị chuyên sâu về lý luận và thực tiễn trong phát triển kinh tế du lịch cho huyện Lâm Bình.

Các nhà khoa học, chuyên gia, học giả, nhà quản lý trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo khoa học Quốc tế “Du lịch Lâm Bình, Tuyên Quang: Tiềm năng, thực trạng và giải pháp”

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong năm 2019, trong qúa trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đặt ra như: chưa khai thác hết các tiềm năng về du lịch; các doanh nghiệp ở địa phương chưa đầu tư phát triển du lịch một cánh bài bản; cơ sở hạ tầng du lịch chưa được đầu tư xây dựng, hiệu quả khai thác chưa cao; việc kết nối du lịch với các địa phương bạn chưa hiệu quả. Các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã và chủng loại. Vấn đề môi trường và việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, đặc biệt người dân sống ven vùng lòng hồ. Các hoạt động du lịch chưa phong phú, chưa giữ chân du khách lưu trú dài ngày, đặc biệt là du khách ở thị trường trong nước. Để lượng khách và doanh thu từ du lịch được cái thiện trong năm 2020 và những năm tiếp theo,  huyện Lâm Bình đã có lộ trình đầu tư phát triển thêm các loại hình du lịch trong đó chú trọng các dịch vụ vui chơi, giải trí tại các khu, điểm du lịch hấp dẫn.… Công tác quảng bá xúc tiến sẽ được tập trung vào việc mở rộng thị trường du lịch trong và ngoài nước, ưu tiên cho các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng thông qua các chương trình hợp tác giữa Lâm Bình với các địa phương của cả nước; nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong tổ chức các sự kiện du lịch; đa dạng hoá kênh thông tin và khai thác lợi thế của phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền quảng bá du lịch cho cộng đồng; xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch của huyện; đẩy mạnh việc xã hội hoá trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch để khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí. Nâng cao chất lượng nội dung trang web du lịch của huyện theo hướng cập nhật nội dung phong phú và kịp thời các sự kiện du lịch để thu hút khách…

Du khách trải nghiệm, khám phá khu trưng bày không gian văn hóa các dân tộc thiểu số tại các điểm du lịch cộng đồng homestay

Trên cơ sở kết quả năm 2019 đạt được, cùng với  những mục tiêu, hướng đi cụ thể trong năm 2020, tin rằng huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Theo lambinh.tuyenquang.gov.vn/

 


Bài viết liên quan