Những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý, ngôi nhà sản lợp lá cọ truyền thống của Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) dường như chẳng khi nào ngớt những âm thanh ngọt ngào, mê ly của làn Then, điệu Tính.
Vừa được phong tặng là Nghệ nhân Nhân dân Then và Then được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cuối năm 2019, niềm vui với Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn vẫn còn nguyên. Ông cầm cây đàn tính, so dây nắn phím rồi hát bài “Bản em đón xuân” lời mới: “Bản em đón ngày xuân mùa mới/ Vui được mùa ngô lúa đầy sân/ Vui phong trào đảm đang bản noọng/ Làm ăn luôn đi trước bản người/ Em ơi, ta thi nhau em nhỉ/ Làm ăn cho kịp vụ, kịp mùa”.
Cho đến nay, Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn đã truyền dạy Then cho hàng trăm em nhỏ trong thôn, xã và các vùng lân cận. Ông bảo: “Trẻ em như cái cây non, bản Then như dòng nước mát, như ánh mặt trời nuôi chúng lớn dậy xanh tươi. Tiếng hát Then làm ấm lòng người Tày, tô thắm cho đời như trái ngọt, hoa thơm”. Có lẽ vì vậy nên, cả cuộc đời của mình, ông đã dành cho cây đàn Tính, điệu Then và truyền lửa Then cho các thế hệ người Tày như một mạch nguồn bất tận.
Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn dạy hát Then, đàn Tính cho các em nhỏ.
Rời Tân An chúng tôi xuôi về thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) để gặp Nghệ nhân Ưu tú Phàn Văn Phú. Từ năm lên 12 tuổi, ông Phú đã được đi theo cha thực hiện các nghi lễ cấp sắc, đám cưới theo nghi lễ truyền thống của người Dao. Ông đã được cha mẹ truyền dạy cho chữ viết cổ của người Dao. Ông cũng là thanh niên duy nhất trong bản thổi được kèn Pí lè. Ông bảo: “Ngày tết, người Dao không có rượu, thịt nhưng không thể thiếu tiếng kèn Pí lè với tiếng hát Páo dung. Tiếng kèn Pí lè như tiếng lòng của người Dao với đất trời”.
Ông Phú đã dành tất cả tâm huyết để truyền dạy bản sắc văn hóa Dao cho các con trong gia đình và thanh niên trong xã. Anh Phàn Dao Quý, con trai của ông Phú giờ cũng biết thổi kèn Pí lè, các con gái của ông cũng biết hát Páo dung…Còn với anh Phàn Long Sơn, một trong những học trò của ông nhiều năm nay giờ cũng coi cây kèn Pí lè không thể thiếu trong gia đình mình. Nhờ có thầy Phú chỉ bảo, anh Sơn từ chỗ chỉ biết nghe tiếng kèn Pí lè nay đã trở thành người thổi kèn thành thạo.
Nghệ nhân ưu tú Phàn Văn Phú và các thành viên trong đội văn nghệ của thôn. Ảnh: Quang Hòa.
Mấy hôm nay, ở thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang), nhiều chị em phụ nữ Dao đỏ gọi nhau rộn ràng đi thêu thùa váy áo, trang phục mới để vui tết, đón xuân. Chị Bàn Thị Nhất, Chi hội trưởng phụ nữ thôn cho biết, từ khi Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chị em trong thôn phấn khởi lắm. Người con gái Dao đỏ từ khi biết cõng em trên lưng, biết theo cha mẹ lên rừng lấy củi đã biết thêu thùa, trang trí váy áo cho mình. Bà Phúng Thị Nghính, 49 tuổi, thôn Bản Lục bảo: “Đã là người phụ nữ Dao đỏ ở Bản Lục này không ai là không biết thêu và trang trí trang phục của mình”. Bà và con dâu bà là Phùng Thị Choáng mỗi ngày đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi là thêu thùa.
Phụ nữ Dao đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) gìn giữ nghề thêu trang phục truyền thống.
Ảnh Thủy Châu
Ở Tuyên Quang, mỗi địa địa phương đều có những nét bản sắc văn hóa riêng trên cơ sở phong tục tập quán của từng dân tộc. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 425 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan; Lễ hội Đình Thọ Vực; Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành kiểm kê toàn diện 40 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Phụ nữ dân tộc Sán Dìu xã Ninh Lai (Sơn Dương). Ảnh Thủy Châu
Trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực phục dựng nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc, như: Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày thị trấn Vĩnh Lộc và thôn Bản Cuống xã Minh Quang (Chiêm Hóa); Lễ hội Đầm Mây dân tộc Dao, xã Lang Quán và Lễ hội đình Minh Cầm của dân tộc Cao Lan, xã Đội Bình (Yên Sơn)... Các huyện, thành phố cũng chú trọng duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như: Lễ hội Lồng Tông ở các xã, thị trấn của huyện Na Hang, Chiêm Hóa; Lễ hội Cầu may đình Hồng Thái, Lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào...(Sơn Dương); Lễ hội đình Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn), Lễ hội đình Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang); Lễ hội Nhảy lửa, dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang Lâm Bình)...
Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình được tổ chức hàng năm thu hút khách du lịch. Ảnh: Quang Hòa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 43 lễ hội, trong đó có 4 lễ hội tôn giáo, 2 lễ hội cách mạng, 3 lễ hội văn hóa du lịch và 34 lễ hội dân gian. Ngoài ra còn có trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... được duy trì hoạt động thường xuyên, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.
Văn hóa đặc sắc, độc đáo của mỗi dân tộc gắn với văn hóa tâm linh và những con người tâm huyết gìn giữ, bảo tồn đã tạo nên những tinh hoa văn hóa được hội tụ trên mảnh đất Tuyên Quang.
Theo baotuyenquang.com.vn