Dân số Thượng Lâm chủ yếu là đồng bào Tày, chiếm khoảng 70%. Chính vì thế, khi đến đây du khách sẽ có trải nghiệm chân thực nhất về cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa của người Tày. Người Tày nơi đây vẫn gìn giữ trang phục truyền thống. Họ mặc trang phục trong lễ hội, trong phiên chợ, trong dịp cưới, hỏi, lễ Tết...
Những cô gái dân tộc Tày ở homestay A Phủ, thôn Nà Tông duyên dáng trong trang phục truyền thống đón khách tham quan, nghỉ dưỡng.
Hiện nay xã Thượng Lâm có khoảng 50 hộ làm du lịch homestay, tập trung chủ yếu ở thôn Nà Đông, Nà Tông. Chính bởi thế, Thượng Lâm hút khách không phải bởi có những nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ tiện nghi như chốn đô thị, mà nơi đây hút khách bởi những ngôi nhà sàn homestay truyền thống. Ở đó du khách sẽ có trải nghiệm vô cùng thú vị, thoải mái, cảm giác như đang được ở trong chính ngôi nhà mình. Đặc biệt, các gia đình làm du lịch homestay đã chú trọng khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Vì vậy, du khách nghỉ tại homestay không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cô gái Tày duyên dáng dệt nên những tấm thổ cẩm với đủ những họa tiết hoa văn bên khung cửi mà còn có thể trải nghiệm nghề dệt độc đáo này. Thượng Lâm về đêm buồn và tĩnh lặng khiến cho mọi động thái ở căn hộ homestay dù rất nhỏ nhưng cũng đủ thu hút sự chú ý của du khách. Đó có thể là tiếng hát Then, Cọi, si, lượn..., tiếng nhạc rộn ràng của điệu nhảy sạp hay tiếng reo hò cổ vũ của những đoàn khách về đốt lửa trại...
Chị Đặng Thị Vân Anh, người đầu tư xây dựng homestay A Phủ, thôn Nà Tông chia sẻ, Thượng Lâm có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và nơi đây đang từng ngày, từng giờ đổi thay. Vì vậy chị đã đầu tư xây dựng homestay A Phủ để đáp ứng như cầu nghỉ dưỡng, thư giãn của du khách. Đến với A Phủ, du khách không chỉ được trải nghiệm văn hóa Tày mà còn mục sở thị cảnh đẹp, cuộc sống thường nhật của bà con nơi đây thông qua dịch vụ đưa, đón, dẫn khách tham quan. Du khách sẽ được ngắm những cảnh đẹp đã trở thành biểu tượng của Thượng Lâm như huyền thoại 99 ngọn núi, cánh đồng lúa vàng óng vào mùa gặt, dừng chân ở đèo Ái Au để nghe kể về cuộc tình duyên ngắn ngủi của người con gái ở xã Trùng Khánh và chàng trai ở xã Thượng Lâm, rồi từ đỉnh đèo huyền thoại phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh Thượng Lâm thơ mộng và quyến rũ. Đặc biệt, du khách có thể lựa chọn du lịch bằng thuyền để thấy được sự cuốn hút của hồ sinh thái Lâm Bình với những cảnh đẹp làm xốn xang lòng người như thác Khuổi Nhi, Cọc Vài...
Cùng chính bởi vẻ đẹp ấy mà Thượng Lâm được ví như “Hạ Long cạn”. Giữa vùng núi đồi là lòng hồ xanh lặng lẽ, cây cối xanh tươi ven hồ, những dãy núi như uốn mình gìn giữ dòng chảy. Có không ít du khách đến đây đã nhận xét, đã nhiều lần họ đến với Hạ Long (Quảng Ninh) - kỳ quan của thế giới nhưng khi đến với hồ sinh thái Lâm Bình họ vẫn cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ này. Không có sự ồn ào của du khách hay các dịch vụ chen lấn, chỉ là núi, là mây, là hồ nước xanh thẳm. Không gian của sự tĩnh lặng điểm bằng những chiếc mảng câu như những chiếc lá nhẹ nhàng buông trên mặt hồ.
Thượng Lâm - vùng đất sơn thủy hữu tình thực sự là địa điểm du lịch không thể bỏ qua trong hành trình khám phá mảnh đất và con người xứ Tuyên.
Theo baotuyenquang.com.vn