Tết Thanh minh của người Tày Chiêm Hóa

Năm nào cũng vậy, ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, dòng họ Hoàng ở xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) sắm đầy đủ đồ lễ, cuốc xẻng đi tảo mộ. Ông Hoàng Văn Hương, đại diện dòng họ Hoàng cho biết, thanh minh được người Tày Chiêm Hóa coi là một lễ tiết quan trọng hàng năm. Tết Thanh minh đến sau lập xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tết Thanh minh. Ông bà ta xưa chọn Tết Thanh minh đơn giản là ngày cắt cỏ và đắp đất lên mộ. Đây là thời điểm để mỗi người, gia đình, dòng họ nhớ về tổ tiên, những người đã khuất với sự đoàn kết, lòng thành biết ơn, sự báo hiếu.

Từ sáng sớm từng đoàn người mang theo các đồ lễ được chuẩn bị kỹ càng từ hôm trước như: Thịt gà, lợn, cá, hoa quả, trứng, giấy tiền mã, rượu, xôi ngũ sắc để đi tảo mộ. Trong đó không thể thiếu món bánh trôi, chay, bánh trứng kiến. Những món bánh ăn lạnh tiêu biểu của Tết hàn thực. Đồng bào Tày Chiêm Hóa có phong tục mỗi dòng họ chọn địa táng theo từng khu. Người ta chặt vài tàu lá cọ rải ra trước khu mộ tổ để góp lễ vật cúng chung. Ông trưởng tộc hay người cao tuổi uy tín trong dòng họ thay mặt mọi người hành lễ, báo cáo tổ tông. Sau đó, các gia đình tỏa đi từng nhánh để phát cây, rẫy cỏ, đắp mộ, quét vôi, lăn sơn. Họ bày lễ vật bên cạnh ngôi mộ của ông bà, cha mẹ, người thân để thắp hương cúng. Cũng có nghi lễ giót nước, mời rượu. Điều đặc biệt mỗi ngôi mộ đều được cắm một vài bông hoa giấy màu và một cây nêu báo hiếu trên cành tre. Người ta cũng không quên mang một cây hoa từ nhà lên mộ trồng. 

Tục làm bánh trôi, chay, bánh trứng kiến trong Tết Thanh minh của người Tày Chiêm Hóa vẫn được duy trì.

Khi hành lễ xong, các tuần hương đã tàn, ông trưởng tộc cho hóa vàng. Đồng thời báo cáo kết quả việc quy tập, tu sửa mồ mả trong những năm qua và phương hướng trong thời gian tới, ý kiến đóng góp của các hộ. Cuối cùng cả họ cùng ăn bữa cơm đoàn viên. Ông Ma Văn Hưng, xã Kim Bình nói, Tết Thanh minh đối với đồng vào Tày rất quan trọng. Các dòng họ Hà, họ Ma, họ Hoàng, họ Nông… cơ bản đều làm giống nhau. Nhiều người ở xa cũng phải thu xếp công việc về với gia đình. Nhà ông Hưng có hai con ở Thái Nguyên, Bắc Ninh cũng về đi Tết Thanh minh. Ngoài nhớ ơn tổ tông, các cháu còn biết thêm phần mộ của anh em họ hàng.

Ở Tuyên Quang Tết Thanh minh ở đồng bào Tày Chiêm Hóa có nét riêng. Từ xa xưa đồng bào Tày Chiêm Hóa thường sống quây quần thành từng làng bản, dòng họ. Kết cấu xã hội tương đối chặt chẽ nên phong tục, tập quán được duy trì trong cộng đồng khá bền vững. Tết Thanh minh là nét đẹp văn hóa nhằm giáo dục truyền thống cho con, cháu biết được nguồn cội, ăn ở có ngôi thứ, sống đoàn kết, yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Trong quan niệm của người Tày. Thờ phụng tổ tông chính là nền tảng tâm linh “hồn cốt” của người Tày Chiêm Hóa.

TheoTQDT


Bài viết liên quan