Trống sành nhạc cụ độc đáo của người Cao Lan

Ở Tuyên Quang, dân tộc Cao Lan hay còn gọi là Sán Chay có dân số đông thứ 3 sau dân tộc Kinh, Tày, Dao, khoảng trên 60 nghìn người, chiếm 36% số người Cao Lan ở Việt Nam

Người Cao Lan cư trú tập trung ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Giống như cây khèn của dân tộc Mông, đàn tính tẩu của dân tộc Tày, trống sành là nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào dân tộc Cao Lan. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trống sành cổ còn lưu lại không nhiều, chủ yếu thuộc về các thầy cúng.

Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Dừn, dân tộc Cao Lan, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương), người có thâm niên chơi loại nhạc cụ này cho biết, nhiều người nhầm tưởng đánh trống sành chỉ để hát Sình ca. Tuy nhiên, trống sành là nhạc cụ quan trọng để thực hiện các bài cúng thần linh, làm lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may, cầu mát. Ngoài ra, trống sành còn được đánh đệm cho các điệu múa của dân tộc Cao Lan trong ngày hội với các tiết mục tiêu biểu như: “Múa chim gâu”, “Múa xúc tép”, “Múa tam nguyên”, “Múa khai đao phát lộ”.

Khác với thân trống trận làm bằng gỗ, thân trống sành được làm từ đất nung. Thân trống thường có chiều dài khoảng 40 cm, đường kính mặt trống to 25 cm, mặt trống nhỏ 16 cm, độ dày vỏ trống 5 - 8 mm, hai đầu trống hình viên trụ, thắt eo ở giữa. Thông nhau giữa hai đầu khoang trống qua đoạn thắt eo ở giữa là một lỗ bằng quả trứng gà. Thoạt nhìn thân trống sành đơn giản, nhưng làm đúng kỹ thuật không dễ chút nào. Hai đầu mặt trống to, nhỏ khi đánh âm thanh chạy qua lỗ thắt eo tạo ra sự trầm bổng khác nhau. 

Công đoạn tiếp theo là làm mặt trống. Mặt trống sành không làm bằng da trâu mà là da kỳ đà hoặc da trăn. Tốt nhất vẫn là da kỳ đà. Quanh mặt trống tạo các móc sắt, dùng dây thừng nhỏ ngoắc vào đan chéo dọc thân trống để giữ hai mặt trống ốp vào thân trống sành luôn được căng. Đoạn dây thừng còn thừa quay ngang cuốn xung quanh phần thắt ngẫng ở giữa tạo độ căng thêm cho hai mặt trống.

Đánh trống sành có hai cách, nếu cúng, người ta ngồi để trống vào hai cổ chân rồi đánh; còn khi nhảy múa, dùng dây vải buộc hai đầu trống treo vào cổ đến tầm ngang bụng. Mặt trống to được đánh trực tiếp bằng 4 đầu ngón tay chụm lại, mặt nhỏ dùng que nứa có lưng đánh hơi cong tạo độ nảy trên mặt trống. Trước khi đi diễn, người ta thường ngâm trống sành vào nước 1- 2 ngày, tạo da mặt trống căng, âm hưởng đánh ra kêu vang, có hồn. Mặt da trống sành làm đúng quy cách có thể sử dụng trong 20 năm mới phải thay mới. 

Ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh khẳng định, trống sành là một nhạc cụ quý của dân tộc Cao Lan cần được bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Ngành Văn hóa tỉnh chưa có thống kê đầy đủ trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu chiếc trống sành. Nhưng qua rà soát số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay. Khó khăn nhất là hiện nay, các nghệ nhân làm trống sành không nhiều, kỹ thuật làm trống sành cũng bị mai một, thất truyền. Do đó, để làm được một chiếc trống sành mới đúng kỹ thuật không đơn giản. Cho nên việc bảo tồn và phát huy giá trị những chiếc trống sành cổ rất quan trọng. Hàng năm, Trung tâm vẫn mời các nghệ nhân, diễn viên, thầy cúng người Cao Lan trên địa bàn tỉnh đi biểu diễn, giao lưu, quảng bá nét văn hóa người Cao Lan xứ Tuyên đến với công chúng, trong đó có chiếc trống sành, nhạc cụ tiêu biểu nhất của người Cao Lan.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan