Tham quan các khu, điểm du lịch trong tỉnh, du khách đều có chung một ý kiến đó là sản phẩm, quà tặng lưu niệm còn đơn điệu, mẫu mã thiếu hấp dẫn. Trong đó, chủ yếu là các nhóm sản phẩm đồ uống, thảo dược, nông sản; mặt hàng thủ công mỹ nghệ có tính lưu niệm chưa nhiều. Bà Lương Thị Tý, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, bà đã có nhiều năm bán hàng cho khách tại khu vực đường vào lán Nà Nưa - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bà bán các loại thuốc nam, hàng đặc sản, nông sản của địa phương. Còn các sản phẩm đồ lưu niệm chủ yếu là quần áo thổ cẩm, vòng tay, sáo trúc... tất cả đều có xuất xứ Trung Quốc.
Trên địa bàn tỉnh có duy nhất cơ sở làm dệt thổ cẩm ở huyện Hàm Yên và một số nghệ nhân chế tác đàn Tính nhưng số lượng còn hạn chế. Các sản phẩm này được giới thiệu tại các hội chợ du lịch trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm còn ít, chưa tương xứng tiềm năng du lịch.
Các sản phẩm quà lưu niệm của Hợp tác xã Nhật Minh (Lâm Bình) thu hút nhiều du khách
khi giới thiệu, bày bán tại các hội chợ thương mại.
Tại Khu du lịch sinh thái Na Hang, lượng khách du lịch đến ngày một đông nhưng ở đây thì lại không có cửa hàng nào kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch ngoại trừ một số điểm bán chè Shan tuyết, thịt chua, hoa phong lan trên địa bàn thị trấn Na Hang.
Chị Võ Kim Oanh, hướng dẫn viên du lịch tại Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Mặt Trời Đỏ (Hà Nội) cho biết, khách du lịch muốn tìm hiểu các sản vật của địa phương thường phải thông qua các hướng dẫn viên rồi họ tự tìm đến mua. Chỉ duy nhất có sản phẩm thổ cẩm là hàng thủ công mang giá trị cao của địa phương được bán nhưng giá một bộ phải từ 7 đến 15 triệu đồng. Nếu khách mua số lượng nhiều thì cũng không có mà bán.
Chị Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định được vai trò quan trọng của sản phẩm lưu niệm. Đó là nguồn lợi nhuận không nhỏ cho ngành du lịch và đây cũng là một trong những giải pháp quảng bá hình ảnh của tỉnh. Muốn phát triển hàng hóa, sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch thì các sở như: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố, các khu, điểm du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phải vào cuộc”.
Đặc biệt vai trò quan trọng hơn là của các cấp chính quyền và cơ quan tham mưu cho chính quyền để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương mình, đáp ứng thị hiếu của khách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có một số ý tưởng làm các sản phẩm quà lưu niệm mang hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng của Tuyên Quang. Cụ thể như lá đa Tân Trào, mô hình cây đa Tân Trào, trống của dân tộc Dao, đàn Tính...
Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch”. Cuộc thi đã trao 3 giải nhất (tác giả Nguyễn Việt Trường, TP Tuyên Quang với tác phẩm “Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang bằng chất liệu đá”; Ma Thị Liễu, huyện Chiêm Hóa với tác phẩm “Quả còn” và Nguyễn Văn Com, huyện Chiêm Hóa với tác phẩm “Đàn tính to”), 5 giải nhì, 5 giải ba, 9 giải khuyến khích. Các huyện tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm. Trong đó, huyện Sơn Dương tổ chức cuộc thi Sáng tạo sản phẩm lưu niệm du lịch. Cuộc thi đã nhận được sự tham gia của nhiều tập thể, cá nhân nhằm đem đến những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo. Theo chị Trần Thị Hoàn, Bí thư Huyện đoàn, các sản phẩm dự thi đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ, gọn nhẹ, dễ đóng gói, vận chuyển và bảo quản.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Đỗ Trung Kiên thì từ các cuộc thi này nhiều sản phẩm lưu niệm đã được đánh giá cao, có tính thực tiễn. Đa số các sản phẩm khi giới thiệu tại các gian hàng trưng bày như: “Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, “Đàn tính”, “Quả còn”, “Quạt giấy lưu niệm”... nhận được sự quan tâm của nhiều du khách gần xa.
Thời gian qua, sản phẩm “Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” của anh Nguyễn Việt Trường (TP Tuyên Quang) đã được các cơ quan, đơn vị đặt hàng làm quà lưu niệm. Anh Trường chia sẻ, từ nhu cầu thực tế cơ sở sản xuất các mẫu sản phẩm bằng chất liệu như đá, pha lê... với kích cỡ khác nhau. Thời gian qua mẫu sản phẩm chủ yếu được các cơ quan, đơn vị đặt hàng nhiều, góp phần quảng bá du lịch Tuyên Quang.
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, đồ lưu niệm, ngành Du lịch hiện có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Quỹ này sẽ trực tiếp hỗ trợ khi tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc, thiết bị ban đầu. Thời gian qua, Hợp tác xã Nhật Minh, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) đã mở rộng quy mô sản xuất có nhiều hướng đi mới trong phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch.
Chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Nhật Minh chia sẻ: “Chúng tôi đã đến các tỉnh bạn để tìm hiểu cách thức làm quà lưu niệm từ các sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên như mây, tre, guột. Năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Sở Công thương, chính quyền địa phương, Hợp tác xã đã đầu tư các loại máy móc như: lò hấp cacbon, máy khắc laze, máy xử lý mốc, mối mọt... Quy trình sản xuất các đồ sản phẩm lưu niệm đã thực sự chuyên nghiệp và đa dạng. Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất được từ 300-400 sản phẩm như bình giữ nhiệt, cốc, thìa, giỏ xách... Các sản phẩm thu hút nhiều du khách đặt hàng. Chị Trịnh Minh An đến từ Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi ấn tượng nhất với sự sáng tạo trong làm quà lưu niệm của Hợp tác xã. Trong đó có bình giữ nhiệt có vỏ bọc bằng tre, có thể khắc chữ, khắc hình ảnh để tặng người thân, bạn bè của mình”.
Sản phẩm lưu niệm không chỉ làm gia tăng giá trị thặng dư cho ngành Du lịch mà còn là một trong những giải pháp quảng bá hình ảnh của tỉnh ra bên ngoài. Vậy nên, việc phát triển quà lưu niệm đặc trưng tại các điểm đến ở địa phương không chỉ làm tăng nguồn thu mà còn góp phần quảng bá quê hương, tạo ấn tượng trong lòng du khách, kích cầu du lịch.
Theo baotuyenquang.com.vn