Mượt mà khúc hát ru của người Tày

Dân tộc Tày ở Tuyên Quang chiếm khoảng 25% dân số toàn tỉnh. Với số lượng đông đảo, người Tày còn lưu giữ được nhiều làn điệu dân ca truyền thống, trong đó có nhiều bài hát ru nhẹ nhàng, êm ái thể hiện đời sống văn hoá, tinh thần phong phú.

Có lẽ bất cứ trẻ em dân tộc Tày nào lớn lên cũng được tắm mát tâm hồn bằng những câu hát ru mượt mà trong bài Ứ noọng nòn nổi tiếng: Ứ noọng nòn/Nòn đắc noọng nòn đí/Nòn tắng pí au qua/Nòn tắng a au luổm/Luổm lầu đảy sloong boóc/Nốc choóc đảy sloong tua (Ư em ngủ/ Ngủ say em ngủ ngoan/Ngủ đợi chị lấy dưa/Ngủ đợi cô bắt muỗm/Muỗm to được hai ống/Chim sẻ được hai con). Lời ru vừa ngọt ngào, vừa đưa đẩy, dỗ dành đưa trẻ vào giấc ngủ êm đềm.


Khúc hát ru Tày còn phản ảnh chân thực cuộc sống lao động, sản xuất của người Tày.


Để rồi, giấc ngủ ấy sâu hơn, ngon hơn quả lời kể du dương, ấm áp: Tua nâng pây mí ỏm/Tua nâng gây nhọm mây/Tua nâng pây đăng phầy thả mẻ/Tua nâng là quạnh quẻ dú đai/Tua nâng pây au vài mà lảng/Tua nâng oóc pác táng slon slư/Tua nâng pây vây ứ... (Một con đi giặt tã /Một con đi nhuộm chỉ/Một con đi nhóm bếp đợi mẹ/Một con chơi chẳng làm gì/Một con đi lùa trâu về chuồng/Một con đi đưa nôi). Câu hát nhẹ nhàng, êm ái, lắng đọng, tưởng như kể chuyện bâng quơ ấy lại hàm chứa một cách tự nhiên đời sống văn hóa sinh hoạt của người Tày xưa. Các gia đình người Tày xưa thường đông con cháu, vì thế mỗi đứa trẻ đều đảm nhận một việc: người giặt tã, nhuộm chỉ, chăn trâu; người nhóm bếp, học bài, đứa thì đưa nôi ru em, đứa thì chơi đùa, còn em bé nhất thì nằm trong nôi.

Những lời ru cổ xưa thường rất tinh tế, dí dỏm vừa hợp với tư duy trẻ thơ, vừa phản ánh khá rõ nét, cụ thể về cuộc sống lao động, sản xuất của người dân như trồng bông dệt vải, chăn trâu, làm đồng... Các bài hát ru đều theo thể thơ 5 chữ, dễ thuộc, dễ nhớ. Chẳng hạn như: Ứ noọng nèn/Nèn đắc nèn đí/Nèn tha ý mẻ mà/Mẻ pây thổng au pja/Mẻ pây nà au luổm/Đáy mẻ luổm pác đeng/Đáy mẻ mèng pác cắm/Đáy mẻ lắm cò lài/Đảy mẻ vài coóc ả/Đảy mẻ bẻ coóc com/Đảy bjoóc hom rắp sli/Ứ đắc đí noọng nèn. Tạm dịch: Ứ em ngủ/Ngủ kỹ ngủ say/Ngủ chờ mẹ đi về/Mẹ ra đồng lấy cá/Mẹ ra ruộng bắt muỗm/Được mẹ muỗm miệng hồng/Được mẹ ve miệng thắm/Được chim cắt cổ vằn/Được mẹ trâu sừng mở/Được mẹ dê sừng quắp/Được hoa thơm.

Hát ru ứ noọng nòn, vén noọng nèn; “nòn” hay “nèn” đều đồng nghĩa là ngủ, nhưng “nèn” biểu hiện sự trìu mến thân thương, ngôn ngữ phù hợp với sự ngây thơ, trong trẻo của trẻ thơ. Nội dung các bài hát ru cơ bản giống nhau, nhưng giai điệu, cách hát của mỗi miền quê có sự khác nhau làm cho hát ru thêm phong phú sinh động.  

Các bài hát ru của người Tày là thế. Kết cấu kể chuyện hết sức tự nhiên, phù hợp với chức năng ru ngủ trẻ thơ và ẩn chứa trong đó tính nhân văn sâu sắc. Nó thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của người lớn thông qua những lời dỗ dành, cưng nựng trẻ. Rồi những câu hát ấy cứ tự nhiên ăn sâu vào tiềm thức của trẻ nhỏ. Đến khi trưởng thành, lời ru ấy đã trở thành hành trang từ tuổi thơ vào đời với tình cảm ơn sâu nghĩa nặng mẹ cha. Đ là tình cảm bền bỉ, mãnh liệt nuôi dưỡng và nâng bước trẻ thơ vững bước vào đời.

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan