Giữ nghề truyền thống

Mùa dịch Covid -19, mọi công việc buôn bán kinh doanh dường như trở nên khó khăn hơn. Nhưng với chị Triệu Thị Hải, thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) thì đây chính là quãng thời gian lý tưởng để chỉ duy trì nghề thêu, may trang phục truyền thống của người Dao Đỏ.

Thôn Tân Quang hầu hết là đồng bào Dao Đỏ, di dân từ huyện Na Hang về theo chương trình tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Để thích ứng với nơi ở mới, đồng bào Dao Đỏ không chỉ tích cực phát triển kinh tế mà còn kiếm thêm thu nhập từ chính nghề truyền thống - nghề thêu trang phục dân tộc Dao Đỏ.



Chị Triệu Thị Hải may trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ.


Chị Triệu Thị Hải chia sẻ, ở đây, bà con ai cũng biết thêu, vì vậy chị đã đặt hàng bà con thêu từng chi tiết hoa văn trên trang phục. Có gia đình chị đặt toàn bộ khăn đội đầu, gia đình khác chị lại đặt thêu quần, thêu áo, làm quả bông len... Sau đó, chi thu mùa toàn bộ để may thành bộ trang phục hoàn chỉnh. Cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, vừa tăng thu nhập cho mỗi gia đình.

Bởi một bộ trang phục Dao Đỏ, nếu một người làm hoàn chỉnh phải mất vài tháng. Trong khi đặt hàng mỗi người, mỗi nhà làm từng công đoạn chỉ mất một đến hai tuần là có bộ y phục hoàn chỉnh. Trước kia, chưa có dịch Covid -19, chị Hải thường mang quần áo dân tộc Dao Đỏ đem bán vào mỗi buổi chợ phiên, nay chị chuyển sang bán online. Mỗi bộ quần áo mặc thường ngày, giá bán dao động từ 5-7 triệu đồng, còn quần áo cô dâu, thầy cúng có thể lên tới 10-12 triệu đồng. Đối với khách mua lẻ chiếc khăn, chiếc quần, cái áo... chị cũng sẵn sàng đáp ứng.

Chị Hải tâm sự, hiện chị chưa tính nhiều đến giá trị kinh tế. Quan trọng là giữ được nghề thêu trang phục, để bộ y phục truyền thống của người Dao Đỏ được lưu giữ trong cộng đồng.     

Theo Baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan