Nòng cốt giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Chiếm số đông trong 22 dân tộc anh em, đồng bào Dao ở Tuyên Quang còn giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Để kho tàng văn hóa đặc sắc ấy được lưu truyền, cùng với việc thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Dao cấp tỉnh thì ở các địa phương – nơi có đông đồng bào Dao sinh sống, các câu lạc bộ cùng được thành lập. Đây chính là nòng cốt để văn hóa Dao gìn giữ và phát triển.

Phụ nữ Dao đỏ thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, Na Hang luyện tập văn nghệ.


Tuyên Quang có đủ 9 ngành: Dao Đỏ (Đại Bản), Dao Tiền (Tiểu Bản), Quần Trắng, Quần Chẹt, Coóc Mùn, Coóc Ngáng, Ô Gang (Lồ Gang, Thanh Phán), Thanh Y, Áo Dài (Dao Tuyển, Làn Tiển, Bình Đầu), cư trú ở khắp các địa phương trong tỉnh. Sự đa dạng của các ngành Dao đã làm nên sự phong phú về bản sắc. Hiện nay, Lễ cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao và nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, người Dao còn có kho tàng văn hóa phong phú như tiếng nói, chữ viết riêng – chữ Nôm Dao, nhiều làn điệu dân ca dân vũ cùng nhiều nghi thức truyền thống độc đáo, mang tính nhân văn cao.

Để gìn giữ kho báu này thì cần có nhiều giải pháp, trong đó việc thành lập các câu lạc bộ là quan trọng. Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao cho biết, từ khi thành lập (2014) câu lạc bộ đã có quy chế và mục tiêu hoạt động rõ ràng. Đó là nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao, như: truyền dạy tiếng nói, chữ viết; duy trì, phát huy giá trị các nghi lễ: cúng tổ tiên, cấp sắc; thêu hoa văn trang trí trên trang phục; truyền dạy các làn điệu Páo dung, các điệu múa trong nghi lễ tín ngưỡng, các trò chơi dân gian…




Phụ nữ Dao thôn 1 Minh Tiến, xã Minh Hương, Hàm Yên thêu trang phục truyền thống.


Sau đó, nhiều câu lạc bộ thành viên cũng được thành lập ở cơ sở trong đó nòng cốt là những người am hiểu văn hóa Dao. Đến nay toàn tỉnh có 23 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao với hàng trăm hội viên. Theo cách làm riêng, các câu lạc bộ đã khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu văn hóa Dao cho các thành viên, từ đó  vận động thành viên tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chị Bàn Thị Phương, thành viên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Dao ở thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) bày tỏ: Chị rất tự hào khi không chỉ đồng bào Dao yêu thích bộ trang phục truyền thống mà không ít du khách cũng thích thú tìm hiểu và đặt mua. Đây là động lực để phụ nữ Dao duy trì nghề thêu trang phục truyền thống.

Còn ông Chúc Tạ Phin, thôn Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình) trải lòng: Người Dao có kho tàng văn hóa phong phú. Vì vậy, việc thành lập các câu lạc bộ là hết sức cần thiết để lớp lớp các thế hệ người Dao có thể hiểu được giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan