Kỹ thuật vẽ sáp ong của người Dao Tiền ở thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang

Lâm Bình là huyện vùng cao thuộc tỉnh Tuyên Quang. Với 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có đồng bào Dao Tiền ở thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang vẫn giữ được truyền thống và bản sắc riêng với việc in hoa văn bằng sáp ong trên vải.

Người Dao Tiền ở thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang có truyền thống in hoa văn bằng sáp ong trên vải, đặc biệt là trên trang phục phụ nữ. Muốn tạo hoa văn đồng bào dùng khuôn bằng gỗ đã chạm khắc các hoạ tiết trang trí, rồi sau đó nhúng vào sáp ong đã được đun nóng và dập lên nền vải trắng hoặc dùng bút vẽ làm bằng tre chấm vào bát sáp ong, vẽ theo ý thích của mình trên vải. Sáp ong khô đem nhuộm chàm nhiều lần, nhờ có sáp ong kết dính nên các họa tiết hoa văn không bị ngấm chàm. Sau khi phơi thật khô, đồng bào đem luộc tấm vải đó với nước sôi, sáp ong gặp nhiệt độ cao sẽ tan ra để lộ các đường trắng của vải, sản phẩm hoàn thiện tạo thành hoa văn trắng trên nền chàm xanh. Những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao tiền thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với nhiều hoa văn đẹp mắt, như: họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá, muông thú..., mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Dao Tiền. 

Sáp ong được đun nóng để in hoa văn trên vải tạo nên sự tinh tế của trang phục truyền thống người Dao Tiền.

In hoa văn bằng sáp ong trên vải đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của phụ nữ

Du khách tham quan in hoa văn bằng sáp ong trên vải.

Trang phục người Dao Tiền ở xã Hồng Quang có màu sắc chủ đạo là màu chàm và màu trắng tinh tế nhưng nhã nhặn, hài hoà

Kỹ thuật vẽ sáp ong của người Dao Tiền ở thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang  hiện vẫn được gìn giữ, bảo tồn. Chính những trang phục truyền thống với các hoa văn in bằng sáp ong đã góp phần tôn vinh giá trị và tạo được dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình. Có sức hút đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải


Bài viết liên quan