Những người giữ lại hồn quê

Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh - do đặc thù ngành hàng sản xuất - 100% thành viên tham gia là chị em phụ nữ. Họ tỉ mẩn với những sản phẩm thủ công, kỳ công truyền tình yêu và niềm tự hào của “một nửa thế giới” đến với bạn bè gần xa.

Thăng trầm…

Ra đời năm 2018, có lúc số thành viên của Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) lên đến 30 thành viên. Nhưng dần dà, số người tham gia “rơi rụng” dần, giờ chỉ còn 11 thành viên. Người theo nghề đều là chị em phụ nữ trong xã. Có những người biết nghề từ ngày còn thơ bé, cũng có người theo các lớp học nghề của xã tổ chức mà theo. Từ nong nia dần sàng, họ cải biên thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như làn, giỏ và cả những chiếc nón truyền thống của người Tày.

Các thành viên Hợp tác xã thổ cẩm Lâm Bình với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Tổ trưởng tổ hợp tác Hoàng Thị Hoan - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã - nặng nợ với câu chuyện giữ nghề. Bà Hoan bảo, phụ nữ xã mình vốn chăm chỉ, cần cù, chịu khó, nhưng vì không có một nghề ổn định, nên cứ đầu quân dần cho các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhưng không phải độ tuổi nào cũng đi lao động được. Khi tổ hợp tác ra đời, những chị em quá tuổi đi lao động có chỗ để cải thiện, nâng cao thu nhập.

Chị Ma Thị Lý, thôn Đình - người gắn bó với tổ hợp tác từ những ngày đầu thành lập. Chị Lý năm nay đã ngoài 40 tuổi. Không muốn rời lũy tre làng, nhưng cũng không muốn quanh năm chỉ có thu nhập từ mấy sào ruộng, khi tổ hợp tác sản xuất mây tre đan thành lập, chị đăng ký học ngay. Số lượng thành viên cứ tăng rồi giảm theo từng năm, nhưng chị chưa khi nào muốn bỏ nghề. Chị cười bảo, thu nhập là một chuyện, ước mơ của mình là giữ lấy cái nghề truyền thống của dân tộc mình.

Tổ hợp tác sản xuất hàng mây, tre đan do chị Lương Thị Linh, thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) được thành lập, cũng với quyết tâm duy nhất là giữ lại nghề truyền thống của đồng bào mình. Những đồi guột ở Năng Khả giờ vẫn còn khá nhiều. Tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có, 7 phụ nữ trong tổ hợp tác tranh thủ những ngày nông nhàn lên rừng thu hoạch, đan lát thành các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Những chiếc làn, chiếc giỏ guột được chị em trong tổ hợp tác giao bán tại chợ, rồi trên mạng xã hội rất đắt khách. Mỗi người, một tháng cũng bán được ít nhất 30 sản phẩm. Lúc nào có nhiều đơn đặt hàng từ khách, chị em lại xúm lại hộ nhau cùng hoàn thành công việc.

Chị Quan Thị Dên, thành viên của tổ hợp tác cười bảo, các thành viên tổ hợp tác đều là chị em phụ nữ. Ngoài việc giúp đỡ tạo công ăn việc làm, đây cũng là nơi để chị em chia sẻ, giãi bày niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống.

Tái sinh “hồn cốt” một thuở…

Cùng với điệu Then, đàn Tính, nghề dệt thổ cẩm được xem là “hồn cốt” của người dân tộc Tày ở Lâm Bình. Tuy nhiên, cùng với xu thế phát triển chung, nghề dệt thổ cẩm ngày dần vắng bóng, thậm chí có nơi còn bị “xóa sổ” và số người biết dệt vải, may áo ngày càng ít đi. Chị Ma Thị Soa - với quyết tâm giữ lấy “hồn cốt” quê hương, đã quyết định thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình. Thành viên là phụ nữ thị trấn Lăng Can và một số xã lân cận như Thượng Lâm, Khuôn Hà, Thổ Bình. Cải tiến máy dệt, thay đổi nguyên liệu từ sợi bông truyền thống thành sợi len, thay vì sản xuất các sản phẩm truyền thống, Hợp tác xã tìm thầy để truyền dạy, học cách làm những sản phẩm mới để phù hợp với thị trường như hộp đựng đồ trang điểm, các túi đeo nhỏ nhắn cho khách du lịch, đệm bông gạo có thể gấp gọn, thay vì các loại đệm tấm, vỏ gối như trước kia… 

Bà Hoàng Thị Hoan (áo trắng), thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) và các sản phẩm thủ công truyền thống
mà các thành viên tổ hợp tác thực hiện.

Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Hùng Mỹ giờ tập trung vào 3 mặt hàng chính là làn, giỏ và nón Tày. Trong đó những chiếc nón Tày là mặt hàng đắt khách nhất. Người Tày quan niệm, chiếc nón   là vật không thể thiếu trong cuộc sống, là nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người Tày. Khi cô dâu về nhà chồng, ngoài những lễ vật mang theo như chăn màn, chậu, chiếu còn có chiếc nón Tày xinh xinh đem theo với nhiều ý nghĩa. Là vật kỷ niệm của cha mẹ để lại với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo một lòng yêu thương chồng con. Càng hội nhập, phát triển, xu hướng trở về với những vật dụng dân dã như một cách nhắc nhớ về những truyền thống tốt đẹp ngày xưa cũ. Tổ trưởng Tổ sản xuất mây tre đan Hùng Mỹ Hoàng Thị Hoan tự hào, giờ chỉ riêng nón Tày, mỗi tháng tổ nhận được đơn đặt hàng từ 30 đến 50 chiếc. Khách đặt chủ yếu là chị em trong và ngoài xã, một số điểm du lịch cộng đồng. Về lâu dài, đây chính là hướng đi mà tổ hợp tác muốn duy trì và phát triển.

Chiêm Hóa giờ đang tập trung mở thêm các lớp dạy nghề mây tre đan để truyền nghề cho chị em phụ nữ nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc đi lại, tìm kiếm việc làm của nhiều người. Tổ trưởng Tổ hợp tác Hoàng Thị Hoan nhờ thế lại có thêm việc. Mỗi lớp mà Trường Kinh tế huyện tổ chức, bà lại được mời đến dạy nghề, truyền tình yêu từ những sợi guột, sợi tre… cho nhiều chị em phụ nữ hơn nữa. Bà Hoan cười khoe, nhiều chị em ở Ngọc Hội, Minh Quang, sau các lớp dạy nghề, giờ đã trở thành cộng tác viên của Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Hùng Mỹ. Niềm vui này, với bà, được nhân lên gấp nhiều lần, bởi lửa nghề mà bà truyền đi đã góp phần tái sinh hồn cốt một thuở của dân tộc mình.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn./.


Bài viết liên quan