Cọn nước - Sản phẩm sáng tạo độc đáo của đồng bào Tày ở Tuyên Quang

Không chỉ là nông cụ đắc lực trong sản xuất nông nghiệp, những chiếc guồng nước đã trở thành hình ảnh quen thuộc của bản làng và là một nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Tày ở Tuyên Quang.

Dân tộc Tày ở Tuyên Quang chiếm trên 25% dân số toàn tỉnh (số dân đông sau dân tộc Kinh) và chiếm hơn 50% số dân các dân tộc thiểu số. Người Tày cổ cư trú ở vùng núi phía bắc Tuyên Quang đã góp phần sáng tạo nên nền văn hóa bản địa ở vùng này rất phong phú và đa dạng. Hiện nay, người Tày thường cư trú tập trung ở những huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang như Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình.

Cọn nước của đồng bào dân tộc Tày tại huyện Chiêm Hóa

Kinh tế chính của người Tày ở Tuyên Quang là nền kinh tế nông nghiệp, đồng bào làm ruộng nước kết hợp với săn bắt và chăn nuôi. Với truyền thống lâu đời cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới rất nhanh nên nông nghiệp của người Tày phát triển tương đối cao. Ngày nay, bên cạnh những máy móc phục vụ sản xuất thì nhiều phương thức canh tác cũ vẫn được lưu giữ lại, tiêu biểu như sự xuất hiện các guồng nước làm bằng tre dẫn nước về ruộng mà không cần tốn điện năng.

Guồng nước tiếng Tày gọi là cọn nước, chính là những bánh xe dùng để dẫn nước vào ruộng. Người Tày trước kia không chỉ sử dụng cọn nước để lấy nước sinh hoạt tưới cho đồng ruộng mà là công cụ để tạo ra cối giã gạo.

Không biết có tự bao giờ, những người con vùng đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang khi lớn lên, ai cũng biết đến chiếc guồng nước. Đây như một biểu tượng không thể thiếu gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây.

Có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ đâu hình ảnh cọn nước trên các cánh đồng lúa của người Tày ở Tuyên Quang. Nơi ít thì vài cái, nơi nhiều thì cả chục cái, thành một cụm. Có thể kể đến như tại xã Tân An, huyện Chiêm Hóa hiện vẫn còn 35 cọn nước tại các thôn An Thịnh, Tân Hợp, Tân Hội, An Khang đang đều đặn nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như  một "động cơ vĩnh cửu".

Các cọn nước được đặt ở ven các con suối, tại một khu đất chắc, giáp bờ ruộng, khi có lũ vẫn có thể giữ được cọn nước không bị trôi.Địa điểm làm cọn không quá sâu, không quá xa so với chỗ lấy nước.

Một cọn nước gồm 3 thành phần chính là trục giữa, nang cọn và cánh quạt. Khi làm cọn nước cần phải tính toán sao cho thật cân đối để có thể quay đều và tải nước tốt.Một chiếc cọn nước tốt sau khi làm xong thân cọn phải chắc chắn nhưng nhẹ để dễ vận chuyển. Việc lắp đặt cũng rất công phu, đảm bảo con nước cân đối, quay đều, tải nước tốt. Vì vậy, người làm cọn phải có nhiều kinh nghiệm, khéo tay, tỉ mỉ và kiên trì.

Việc làm cọn nước được tiến hành ngay từcuối hoặc đầu vụ cấy lúa để kịp đưa nước về đồng ruộng. Khi làm cọn nước, người Tày thường chọn một thanh gỗ thẳng có khả năng thấm nước tốt để làm trục giữa của cọn. Đồng thời, họ chọn những cây vầu già, thân thẳng, nhỏ làm nang cọn. Tùy kích thước của cọn mà quyết định số nang và độ dài ngắn của nang.

Các thanh nan tre có kích thước bằng nhau, được đan chéo nhau (có cấu tạo gần giống với cấu tạo của bánh xe đạp) và để liên kết với các thanh này, người ta buộc cố định vào các vòng tròn đồng tâm bằng lạt tre hoặc lạt giang, để giữ cho các nan tre không bị xê dịch. Đầu kia của các thanh tre được buộc cố định vào 2 vòng tròn lớn. 2 vòng tròn này song song với nhau, chúng được uốn bằng tre tươi và được nối với nhau bằng các thanh ngang. Ở khoảng giữa các thanh ngang, người ta buộc các phên gạt nước và các ống múc nước. Vào cuối vụ gặt, bà con sửa chữa lại hoặc thay mới những chiếc cọn nước đã hư hỏng để chuẩn bị lấy nước cho mùa sau.


Cụm cọn nước tại huyện Lâm Bình trở thành nơi chụp hình yêu thích của du khách. Ảnh tư liệu

Để tiện dẫn nước về tưới các ruộng, thường những nhà có ruộng gần nhau thì làm chung một cọn. Nhiều cọn được dựng ở gần nhau, cái nọ nối tiếp cái kia tạo thành một cụm. Việc sử dụng những cọn nước để đưa nước từ dưới sông, suối lên ruộng cao không những khắc phục được việc phải tốn nhiều công sức đắp phai, đào hàng trăm mét mương dẫn nước đi qua những chướng ngại vật của vùng núi cao mà còn là một minh chứng về sự sáng tạo kỹ thuật trong thủy lợi, một công trình văn hóa thể hiện văn minh nông nghiệp từ xa xưa.

Trải qua bao thế hệ, cọn nước chính là quá trình tích lũy đúc rút kinh nghiệm trong lao động sản xuất của đồng bào Tày. Tuy ngày nay quá trình cơ giới hóa nông nghiệp cũng như việc đồng bào đã biết áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cọn nước đang dần được thay thế bởi máy bơm nước, máy xay xát trong đời sống hàng ngày của đồng bào. Tuy nhiên, hình ảnh những chiếc cọn nước từ người già, đến con trẻ ở các bản làng dân tộc Tày đều gắn bó với cọn nước và nó đã trở thành ký ức khó quên đối với mỗi người dân.

Chiếc cọn nước trong tâm thức của đồng bào Tày cũng như đối với du khách và những ai ham thích du lịch bản làng đã trở thành một hình ảnh quen thuộc.

Hiện, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đang xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận cọn nước của dân tộc Tày tỉnh là di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cách để bảo tồn nét văn hóa riêng biệt này, cũng như xây dựng một thương hiệu du lịch mới ở Tuyên Quang – du lịch cọn nước.

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại


Bài viết liên quan