Đánh thức Pù Hoanh

Pù Hoanh nằm giữa mênh mông biển nước, cách thị trấn Na Hang chưa đầy 10km. Theo những người Tày ở Năng Khả, Pù Hoanh có nghĩa là hòn đảo đơn độc, nhưng những người trẻ nhiệt huyết đã biến sự cô đơn ấy trở thành một điểm đến hấp dẫn với khách du lịch

Lê Tuấn Vũ, Mai Thị Lệ Quyên (thị trấn Na Hang) đồng hành với nhau trong hành trình đánh thức hòn đảo cô đơn Pù Hoanh ấy. Vũ bảo, mình có lợi thế là được đi nhiều nơi. Sau mỗi chuyến đi, anh đều tự đánh giá và ngầm so sánh với du lịch Na Hang, để tìm hiểu xem vì sao cùng là núi, là rừng, là sông nước mà du lịch nhiều tỉnh lại phát triển rực rỡ và thu hút đông đảo khách du lịch như thế. Nếu so về điều kiện tự nhiên thì Na Hang mình có nhiều ưu thế hơn. Cảnh đẹp hoang sơ và hùng vĩ, con người hồn hậu, văn hóa đa dạng độc đáo, ẩm thực đủ cả mỹ cả vị… Thế nhưng, Na Hang giờ vẫn là nàng công chúa mải mê trong giấc ngủ dài, mà chưa được nhiều người biết đến.

Sẵn nhà có tàu du lịch phục vụ khách trải nghiệm vùng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, nhiều lần, khi đưa khách đi ngang qua đảo Pù Hoanh, Vũ không bỏ qua khi nghe những tiếng xuýt xoa, trầm trồ và mơ ước của ai đó được nán lại ngủ qua đêm, để tránh xa những xô bồ, ồn ào phố thị.

 

Xuýt xoa, trầm trồ, là bởi, trong số rất nhiều những hòn đảo mới hình thành sau khi xây dựng thủy điện Tuyên Quang, Pù Hoanh như một điểm nhấn với những cây chẹo, cây sồi thẳng tắp, nguyên sơ. Cả hòn đảo nhìn từ trên cao như một chú cá voi quẫy mình trong sóng nước.

Giữa năm 2021, khi dịch bệnh Covid -19 vẫn đang “gầm gào”, du lịch Na Hang cũng như du lịch nhiều địa phương khác như đang chực rơi vào chiếc hố đã đào sẵn, thì Vũ quyết định xin đầu tư vào Pù Hoanh để chờ đón cơ hội sau dịch. May mắn là gia đình, bạn bè đều ủng hộ quyết định táo bạo ấy. Thời điểm này, có bao nhiêu vốn liếng, Vũ đầu tư cả vào Pù Hoanh. Giữ nguyên hiện trạng và tôn trọng tự nhiên là tiêu chí của Vũ khi đầu tư vào hòn đảo này.

Những cánh rừng sồi, chẹo… được bảo tồn nguyên vẹn. Lê Tuấn Vũ trồng thêm cây cọ và nhiều loại hoa lâu năm như muồng hoàng yến, thông, quế… Đặc biệt, những cây bụi như sim, mua được Vũ giữ nguyên vẹn để tạo điểm nhấn cho khách du lịch đến với Pù Hoanh vào mùa hè.

Pù Hoanh sau hơn nửa năm đã mang dáng dấp của một hòn đảo du lịch. Mai Thị Lệ Quyên, đồng hành với Vũ trong công cuộc chinh phục Pù Hoanh vừa hỗ trợ Vũ đón khách, nhận khách, vừa học thêm kinh nghiệm của những người đi trước trong việc dẫn tour. Giờ, Quyên đã là hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, khách có thể hỏi bất cứ điều gì về lịch sử hòn đảo, về văn hóa bản địa, Quyên đều có thể trả lời gọn ghẽ.

Từ chân cầu Năng Khả, khách di chuyển đến Pù Hoanh bằng thuyền. Những khách lưu trú được ở trong các lều cắm trại. Mai Thị Lệ Quyên kể, ngày mới dựng lều, còn chưa kịp đón khách nào thì một trận mưa bão lớn kéo qua Pù Hoanh. Mình và Vũ đều lo lắng, không biết những chiếc lều sẽ đi về đâu, nhưng khi bão tan, ra kiểm tra lều bạt vẫn còn nguyên.

 

Các hoạt động giữ chân khách được Quyên, Vũ lên chương trình chi tiết và bài bản. Vũ và Quyên thường xuyên tổ chức các hội thi câu cá nhỏ để thu hút khách. Ngày câu cá, đêm về đốt lửa trại và thưởng thức các làn điệu then, đàn tính được các “nghệ nhân” ở Năng Khả, Thượng Lâm (Lâm Bình) phục vụ…

Cuối năm vừa rồi, khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, Na Hang xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch trên địa bàn huyện, trong đó, điểm đến Pù Hoanh cũng đã được đưa vào hành trình khám phá, chinh phục Na Hang, với hoạt động trải nghiệm chính là câu cá. Trên đảo, Vũ chăn nuôi thêm lợn đen, dê và tận dụng phần đất màu mỡ cuối đảo để trồng rau củ theo mùa. Vũ bảo, đây tưởng là phụ nhưng giờ lại là điểm nhấn với khách du lịch khi lên đảo. Thời điểm này, khách đến đảo chủ yếu là các bạn trẻ, hầu hết đều muốn tự trải nghiệm, tự thu hoạch… nên về lâu dài, đây cũng là hướng để Vũ và Quyên “biến” hòn đảo cô đơn này thành hòn đảo “phải đến” khi du lịch Na Hang.

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan