Từng bước tiến tới chuyên nghiệp
Trong những năm gần đây, thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng tính chuyên nghiệp trong hoạt động dịch vụ du lịch, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng như giao thông, kỹ thuật số, viễn thông trong quản lý, kết nối các dịch vụ du lịch, tạo điều kiện phát triển các tour, tuyến du lịch, rút ngắn thời gian lưu thông và tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Phụ nữ xã Đà Vị (Na Hang) làm xôi ngũ sắc phục vụ du khách. Ảnh: Quang Hòa
Đến nay, toàn tỉnh có 389 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, còn lại là khách sạn 2 sao, nhà nghỉ và trên 250 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn, 12 công ty, văn phòng và đại lý lữ hành đang hoạt động phục vụ khách du lịch đến Tuyên Quang.
Bên cạnh việc duy trì các sản phẩm du lịch hiện có, các địa phương, các điểm du lịch trong tỉnh đã từng bước mở rộng, hình thành các sản phẩm du lịch, hoạt động dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách như du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu, đua xe đạp địa hình, khám phá hang động, chèo thuyền Kayak tại huyện Lâm Bình, Na Hang, bơi mảng - hát Then trên hồ Nà Nưa; xây dựng các điểm check - in vườn lê, vườn hồng, ruộng bậc thang tại xã Hồng Thái, đèo Khau Lắc tại huyện Lâm Bình, hồ Tân Quang (TP Tuyên Quang). Cùng với đó nhiều hoạt động dịch vụ trải nghiệm để du khách tham gia cũng được ra đời như: trải nghiệm giã bánh dày, dệt thổ cẩm, hát Then, đàn Tính của người Tày, trải nghiệm các khâu sản xuất chè Shan tuyết của người Dao…
Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch từng bước được mở rộng thông qua việc phát hành sách, tờ gấp du lịch Tuyên Quang, thông tin về các tour, tuyến, mạng xã hội, truyền thông. Nhiều địa phương, chủ kinh doanh dịch vụ du lịch đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá về dịch vụ du lịch thông qua fanpage, facebook, zalo, tạo ra sự tương tác, lan tỏa mạnh mẽ về tiềm năng, thế mạnh du lịch. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa du lịch học, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tuyên Quang có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng để phát triển ngành du lịch một cách chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh. Những cơ sở về du lịch mà Tuyên Quang đang tạo ra hiện nay sẽ là điều kiện tốt để tiến tới sự chuyên nghiệp, khác biệt về du lịch của xứ Tuyên. Tuyên Quang cần tranh thủ mọi nguồn lực và cả sự liên kết của các bên như doanh nghiệp, các công ty lữ hành, các tỉnh gần kề để phát triển các dịch vụ du lịch một cách chuyên nghiệp trong tương lai.
Nhìn xa, trông rộng để tạo ra sự chuyên nghiệp
Mặc dù Tuyên Quang đã và đang có nhiều giải pháp để tạo ra tính chuyên nghiệp trong du lịch song vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Chị Đặng Thị Dương, quản lý Homestay Gốc Vải, xã Hồng Thái (Na Hang) cho rằng, mặc dù du lịch của Hồng Thái mấy năm gần đây có sự khởi sắc, khách đến homestay được đón tiếp chu đáo, hướng dẫn tận tình hơn và được mang đồ ngay từ bãi đỗ xe... song ở một số hoạt động dịch vụ vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp như chế biến, trang trí các món ăn, chưa có hướng dẫn viên du lịch là người bản địa chuyên nghiệp. Dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao phục vụ du khách tuy mới manh nha nhưng cũng không duy trì được.
Người dân thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) chuẩn bị chỗ nghỉ cho du khách.
Chị Hoàng Thị Yến, một người làm homestay ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình) nhận định, trên địa bàn huyện và xã đã có một số điểm check-in du lịch nhưng mới chỉ là điểm check- in đơn thuần, chưa thực sự hấp dẫn và trở thành điểm nhấn về du lịch cho du khách.
Ông Nguyễn Xuân Thành, chủ nhà hàng Thành Tín (TP Tuyên Quang) cho rằng, trong dịp diễn ra Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022, nhà hàng của ông đã chủ động từ trước nhưng cũng không thể phục vụ được hết du khách vì lượng khách quá đông. Nhà hàng đành phải nhìn khách đến rồi đi mà không giữ chân du khách vì không có đủ bàn và nhân viên để phục vụ.
Cũng theo báo cáo từ Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong dịp Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022, qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý 22 vụ vi phạm không niêm yết giá và 10 vụ bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính trên 80 triệu đồng.
Du khách chèo thuyền Kayak trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.
Theo doanh nhân Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Năm Sao - Fivestar Travel, Tuyên Quang cần “nhìn xa, trông rộng” để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Đầu tư vào yếu tố con người, nhân lực vẫn là cốt lõi nhất, là cái “gốc” để phát triển du lịch chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc duy trì và nâng hạng sao đối với các khách sạn, quan tâm có phương án đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn giao thông một cách hợp lý khi tổ chức các sự kiện du lịch. Mặt khác, chuyên nghiệp trong phát triển du lịch còn ở chỗ Tuyên Quang không chỉ tạo ra một thương hiệu là Lễ hội Thành Tuyên vào mùa thu mà cần tạo ra nhiều hoạt động, sự kiện thu hút du khách hơn nữa để Tuyên Quang trở thành điểm đến cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Còn theo ông Võ Quang Liên Kha, thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam -Vietravel, người đã nhiều lần đến với Tuyên Quang cho rằng, Tuyên Quang cần chuyên nghiệp hóa các hoạt động dịch vụ như ăn, nghỉ, trải nghiệm. Các địa phương cần xây dựng phương án quản lý hoạt động dịch vụ du lịch; rà soát, bổ sung và ban hành các phương án, kế hoạch quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch theo hướng cụ thể, sát thực tế.
Xây dựng tính chuyên nghiệp cần phải là mục tiêu số một nếu muốn đưa du lịch vươn xa và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn làm được điều này thì những nhà quản lý du lịch, hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần phải nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò của dịch vụ du lịch mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống.
Theo TQĐT