Độc đáo lễ Đại Phan của người Sán Dìu

Dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang có hơn 15.800 người, sinh sống tập trung ở các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam của huyện Sơn Dương. Người dân nơi đây vẫn giữ được bản sắc, nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Trong đó, lễ Đại Phan là một trong những nghi lễ đặc sắc vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phục dựng nghi lễ Đại Phan tại xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).


Lễ Đại Phan có tên gọi theo tiếng Sán Dìu là Hí Thai Van, nghĩa là đại hội lớn nhất để những người muốn trở thành thầy cúng ra trình làng. Đây cũng là nghi lễ thăng chức cao nhất cho thầy cúng trở thành Đại Phan (thầy bậc 4).

Hơn 40 năm nghiên cứu, sưu tầm bản sắc văn hóa của người Sán Dìu và đã được công nhận là thầy bậc 4, ông Thăng Văn Nhất, thôn Cây đa, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương cho biết, lễ Đại Phan có hai hình thức là lễ Đại Phan trình làng và lễ Đại Phan thăng cấp cao nhất cho thầy. Buổi lễ sẽ diễn ra trong ba ngày.

Dân làng còn kết hợp tổ chức lễ cầu mùa, cầu yên với mong muốn bản làng no ấm, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian tiêu biểu như: múa lân, kéo co, thi đấu vật, hát soọng cô... thu hút khách thập phương xa gần cùng tham gia.

Lễ Đại Phan là sự tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Sán Dìu, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng đồng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, với những điệu múa, bài dân ca được lưu truyền nhiều đời nay.

Bên cạnh đó, lễ còn biểu hiện một trình độ thẩm mỹ cao với rất nhiều tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí trên đàn lễ, phản ánh tư duy phong phú của người Sán Dìu về thế giới siêu hình, về vũ trụ luận.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Hòa cho biết, lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang là một kho tàng văn hóa cổ truyền có giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, với những câu chuyện cổ, những làn điệu hát múa dân ca đã và đang góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của vùng đất Tuyên Quang cũng như của đất nước.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch cụ thể sưu tầm, phục dựng, bảo tồn một cách hoàn chỉnh nhất về lễ Đại Phan để lưu giữ tại bảo tàng, cũng như lưu truyền trong các cộng đồng dân cư ở vùng có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống; tiếp tục động viên, khích lệ những nghệ nhân, những người am hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc Sán Dìu tích cực truyền dạy cho các thế hệ sau để tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản của dân tộc mình.

Theo nhandan.vn


Bài viết liên quan