Tiếng khèn Mông

Dân tộc Mông ở Tuyên Quang tuy số dân không đông như các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan nhưng là một dân tộc có tính cộng đồng cao và có bản sắc văn hóa đậm nét. Đồng bào Mông rất yêu thích văn nghệ. Người con trai Mông ngoài việc giỏi làm nương còn phải biết thổi sáo, múa khèn. Người thổi khèn giỏi sẽ có uy tín trong bản.

Tiếng khèn là tâm hồn người Mông

Khèn là loại nhạc cụ độc đáo, là một phần văn hóa, thể hiện sức sống mãnh liệt của đồng bào Mông. Với người Mông, cây khèn giống như bảo vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần và luôn được gìn giữ cẩn thận. Việc sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ trẻ đang được những lớp người đi trước nỗ lực thực hiện.

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Giàng Xuân Thắng, dân tộc Mông ở thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà trình tường, ông Thắng nói về cây khèn Mông, ý nghĩa của khèn trong đời sống tinh thần của người Mông. Ông lấy cây khèn ra và thổi cho chúng tôi nghe khúc nhạc vui tươi mang ý nghĩa chào mừng khách đến. Đối với người Mông, cây khèn được xem là tài sản quý trong nhà, vì thế, khèn được treo ở góc cao và trang trọng nhất.
Ông Thắng cho biết thêm: Khèn của người Mông được làm bằng ống cây trúc, còn bầu khèn làm bằng gỗ thông. Tiếng khèn trầm, bổng, thanh thoát là do hơi người thổi, cùng sự điều chỉnh của lá đồng trong mỗi ống khèn. Với người dân tộc Mông, cây khèn không chỉ là một loại nhạc cụ, mà còn là vật báu biết nói lời núi, lời sông, là tiếng lòng nối với tiếng lòng. "Khó nhất của cây khèn Mông là phải có bài, nếu tập được bài rồi thì mới vừa thổi vừa múa được.  

Ông Giàng Mí Cù, dân tộc Mông ở thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình cho biết: khèn Mông thường được sử dụng trong tang ma và những ngày hội vui của bản làng. Trong tang ma, tiếng khèn cất lên nghe trầm buồn, da diết. Theo quan niệm của người Mông, tiếng khèn nhằm dẫn đường, chỉ lối và tiễn biệt người chết về với ông bà tổ tiên. Trong đám tang, người ta có thể thổi khèn nhiều lần: Vào 3 bữa cơm chính (sáng, trưa, tối), hay mỗi khi giết một con vật để cúng cho người chết. Trong những ngày hội, chàng trai Mông vừa thổi, vừa múa khèn và những cô gái Mông lại rực rỡ váy hoa bên những điệu nhảy mềm mại, sôi nổi. Tiếng khèn dìu dặt, tha thiết, vui tươi hòa trong vị cay nồng của chén rượu ngô như làm say lòng những ai một lần được thưởng thức.

Trong nhịp sống hiện đại, khi mà các giá trị văn hóa đang có nguy cơ bị mai một thì những nỗ lực truyền lửa để gìn giữ giá trị văn hoá của tiếng khèn Mông là điều hết sức ý nghĩa và cần thiết ở nơi rẻo cao này./.

Theo: doingoai.tuyenquang.gov.vn


Bài viết liên quan