Chiếc gùi trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Không biết từ bao giờ, chiếc gùi đã gắn bó với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương trong cả nước. Chiếc gùi được sử dụng khi lên nương, làm rẫy, đi chợ… giúp đồng bào đựng những vật dụng, đồ dùng cần thiết.

Gùi là một vật dụng bằng tre, mây đan thủ công được dùng phổ biến trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Gùi thường được dùng để đựng đồ, nhưng đặc biệt có thêm hai quai để người dân tiện mang vác trên vai, không phải dùng tay để cầm giữ đồ. Vì vậy, rất thuận tiện khi sử dụng, nhất là khi phải đi xa.

Là vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nhưng không phải ai cũng biết làm một chiếc gùi đẹp. Người biết làm gùi thường là đàn ông, có bàn tay khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ. Nghề làm gùi thường do cha ông truyền lại cho con, cháu. Đó cũng là lời nhắn nhủ con, cháu cần phải biết yêu lao động, phải giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Đồng bào dân tộc Dao xã HỒng Thái (Na Hang) sử dụng chiếc gùi trong lao động.

Gùi có nhiều kích cỡ to, nhỏ khác nhau, cũng có thể được đan dày hay thưa để đựng nhiều loại đồ dùng, thức ăn, sản phẩm trong lao động… Gùi thường có hình trụ, phía trên loe rộng để thuận tiện cho việc đựng đồ. Ngoài mây, tre, đồng bào cũng có thể sử dụng cây trúc, cây vầu, cây nứa để đan gùi. Một người lành nghề có thể làm được 2 chiếc gùi/ngày, còn nếu đan chậm phải mất 1 ngày mới có thể hoàn thành. Việc học đan gùi đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận, vì vậy, hiện nay không có nhiều người làm được gùi thành thạo, thường là người cao tuổi trong thôn, xã hay làm gùi theo đặt hàng của bà con và sử dụng trong hoạt động lao động, sinh hoạt của gia đình.

Anh Giàng Minh Phong, dân tộc Mông, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) cho biết, hiện nay thôn chỉ có một vài người biết đan gùi, làm thành thạo nhất là ông Cù Seo Dũng, 62 tuổi. Khi mọi người có nhu cầu, ông vẫn thường lấy cây vầu hoặc tre về đan. Trong quá trình làm, khâu chẻ nan rất quan trọng, nan có bằng nhau, độ mỏng vừa phải, thì khi đan mới khít, nhanh và đẹp. Nếu đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu ông Dũng có thể đan được 2 cái gùi trong ngày. Đây là dụng cụ không thể thiếu để người dân đi chợ, lên nương, nhất là đựng các loại rau hay sản vật mình trồng, chăn nuôi được ra chợ bán, để tăng thêm thu nhập.

Ngoài việc được sử dụng trong lao động hằng ngày, chiếc gùi còn trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Du khách miền xuôi, hay du khách nước ngoài khi lên tham quan, trải nghiệm tại các homestay ở vùng cao rất thích thú khi nhìn ngắm chiếc gùi và sẵn sàng mua về làm kỷ niệm hay làm quà.

Chị Bàn Thị Thương, chủ homestay Mác Cọp, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái chia sẻ, chị đã đặt 4 cái gùi để trang trí tại homestay. Tại đây, cùng với một số đồ vật trang trí khác của đồng bào dân tộc, chiếc gùi đã được khách du lịch sử dụng để chụp ảnh. Đặc biệt, hai chiếc gùi nhỏ đã được du khách hỏi mua về làm kỷ niệm.

Không chỉ là dụng cụ được sử nhiều trong cuộc sống, chiếc gùi từ lâu cũng đã trở thành nét đặc sắc trong văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số.                   

Theo TQĐT


Bài viết liên quan