Bánh sừng trâu của người Pà Thẻn ở xứ Tuyên

Là một trong 16 dân tộc rất ít người ở Việt Nam (dưới 10.000 người), người Pà Thẻn ở tỉnh Tuyên Quang sinh sống tập trung tại các xã đặc biệt khó khăn như Hồng Quang (huyện Lâm Bình), Linh Phú (huyện Chiêm Hóa), Kiến Thiết và Trung Sơn (huyện Yên Sơn). Bánh sừng trâu là loại bánh đặc trưng của người Pà Thẻn, không thể thiếu trong các dịp tết hay các sự kiện quan trọng. Sở dĩ gọi là bánh sừng trâu vì nó có hình giống như cái sừng trâu, thực ra nó như cái hình chóp nón vậy.

Phụ nữ người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) gói bánh sừng trâu.
 

Theo chị Lý Thị Toàn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) chia sẻ, bước tìm chọn lá nón là bước quan trọng đầu tiên cho ra một mẻ bánh ngon: Lá phải đẹp, non quá thì gấp dễ bị héo, mà già quá gấp sẽ bị giòn. Lá có từng nhánh một, bắt đầu chọn xé ra một nhánh, thích làm bánh to thì mình xé cái lá to bằng bàn tay, thích làm bánh nhỏ thì mình xé cái lá to bằng ba ngón tay.
 

Bánh sừng trâu vừa gói xong.
 

Bánh được làm hoàn toàn từ gạo nếp, không có thêm nhân hay bất cứ gia vị nào khác. Gạo để khô chứ không ngâm trước cho mềm. Lá gói bánh là lá nón hoặc lá vầu, lá giang. Người gói dùng lá tạo thành hình nón hay hình phễu, giữ chặt mép lá, rồi đổ đầy gạo nếp khô vào, nén vừa chặt, rồi gấp phần lá thừa lại, buộc dây để lá không tuột ra. Gói xong thì buộc 2 cái bánh thành một cặp, giống như một cặp sừng trâu vậy. Lúc này mới mang bánh đi ngâm khoảng 2 tiếng rồi luộc bánh. Bánh chín có mùi thơm dịu của gạo, màu xanh tự nhiên của lá, ăn rất dẻo. Có chút giống ăn vỏ bánh chưng vậy, nhưng vị thanh hơn do không lẫn mùi nhân thịt. 
 


Bánh sừng trâu đã luộc chín

 
Để có bánh màu đen, màu của sừng trâu và có vị đậm đà, người Pà Thẻn giữ bí quyết là đốt rơm nếp, lấy than trộn vào gạo. Điều khác biệt ở cách làm bánh sừng trâu so với bánh của nhiều dân tộc khác là người Pà Thẻn không ngâm nếp trước rồi mới đem gói mà ngược lại, bánh gói xong được buộc lại thành từng cặp, rồi mới ngâm nước khoảng 30-40 phút và cho vào luộc. Ở đây, cái khó là chỉ cho một lần nước từ đầu, người làm bánh vẫn phải ước lượng được tỷ lệ giữa bánh và nước. Khi nước cạn, bánh có màu vàng, mềm dẻo đều là được.

Bánh sừng trâu của người Pà Thẻn ở xứ Tuyên vẫn ẩn chứa nét giản dị, dân dã, khiến ai đã từng thưởng thức đều cảm thấy như được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng hoang sơ, như được sống trong không gian văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc vùng cao./. 

Theo: ĐNTQ


Bài viết liên quan