Tuyên Quang: Để mạch nguồn chảy mãi

Có lẽ khi khai sinh ra Then, những cư dân cổ xưa ở vùng đất miền núi phía Bắc không ngờ rằng giai điệu này được chắp cánh bay xa trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Sự kỳ diệu ấy nằm ở sức sống nội sinh mạnh mẽ trong từng khúc điệu, lời ca, tín ngưỡng đậm dấu ấn văn hóa đồng bào Tày, Nùng, Thái.

 

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi Lễ đón nhận Bằng ghi danh Thực hành Then là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Tối ngày 3/9/2022, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang), tỉnh Tuyên Quang phối hợp với 11 tỉnh có Then tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự và phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, “việc ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta. Qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế về những di sản văn hóa đặc sắc miền núi phía Bắc của Việt Nam, làm cho khu vực này tăng thêm sức hấp dẫn, cuốn hút đối với du khách”.

 Sống trọn cùng Then gần 1 thế kỷ, nghệ nhân dân gian Lương Long Vân, phường An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ, một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa, giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn. Then mượn lời ca, tiếng đàn cùng chùm xóc nhạc dẫn đường đến với các đấng siêu nhiên để thỉnh cầu hay cảm tạ. Ông Then, bà Then với cây đàn Tính trên tay gảy những khúc nhạc, cất lên những lời ca gửi theo mây theo gió, vang đến tận trời xanh.



Tiết mục hát then được biểu diễn tại Liên hoan văn hóa các dân tộc năm 2022. 


Trong tín ngưỡng người Tày, Nùng, Thái thì để trở thành thầy Then phải có “căn” Then hoặc gia đình, dòng dõi có người làm Then. Những người có “căn” Then thường rất nhạy cảm. Đó là có khả năng về đàn hát, nhảy múa, có khả năng liên lạc với thần linh bằng tâm thức, giao cảm đặc biệt.

Then cổ có một bộ lời ca đồ sộ bằng thơ bảy chữ, phản ánh hầu như toàn bộ đời sống xã hội của cư dân Tày, Nùng, Thái. Các khúc hát toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người… Cùng với việc thực hành nghi lễ, những giai điệu ấy được cất lên, các thầy Then đã kể những câu chuyện, gửi gắm những ước nguyện của con người lên thế giới thần linh.

Nghệ nhân dân gian Hà Ngọc Cao, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) là người thường xuyên thực hành các nghi lễ Then. Ông chia sẻ, thực hành Then có rất nhiều loại hình nghi lễ khác, tùy vào mục đích khác nhau mà gia chủ sẽ mời thầy Then đến thực hành nghi lễ tương ứng. Điển hình như: Then cầu an mục đích cầu mong sức khỏe, may mắn, bình an cho gia chủ; Then cống tiến với mong muốn tiến lễ lên giới siêu nhiên; Then chữa bệnh với nhiệm vụ cầu mong sức khỏe cho gia chủ... Tất cả lễ Then đều có mục đích tạo điểm tựa tâm linh, hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Toàn quốc có 11 tỉnh có di sản Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang) và Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai).
 

Tại Lễ đón Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” tổ chức tại tỉnh ta, đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, việc bảo tồn các nghi lễ Then tại Tuyên Quang nói riêng và các địa phương có Then nói chung hiện nay đang được thực hiện rất tốt thông qua chính các hoạt động tín ngưỡng và các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính. Nhờ thế mà chúng ta có một di sản dày dặn và đã được UNESCO công nhận. 

Thực hành Then là cầu nối tâm linh giữa thế giới con người với thế giới siêu nhiên. Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức chia sẻ, có thể khẳng định, ở đâu có đồng bào Tày, Nùng, Thái thì ở đó có Then. Đây là nghi lễ có giá trị nghệ thuật rất cao, rất nhân văn. Bởi qua đó tạo được chỗ dựa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh để con người vượt qua những khó khăn, trở ngại, hướng đến điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến việc vinh danh, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn di sản Then được phát huy, cống hiến tài năng. Toàn tỉnh hiện nay có 8 nghệ nhân ưu tú và 2 nghệ nhân nhân dân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn di sản Then. Các nghệ nhân có đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ, sưu tầm, ghi chép các nghi lễ Then, làn điệu Then. Đồng thời truyền dạy Then, nhất là Then cổ cho thế hệ trẻ tại thôn, bản và trường học.

Với nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến thì việc quảng bá, đưa hát Then đến với nhiều vùng miền trong cả nước là trách nhiệm của mỗi người Tày, Nùng, Thái. Di sản văn hóa phi vật thể chỉ có sức sống khi được trình diễn rộng rãi đến mọi đối tượng công chúng chứ không phải nội bộ trong cộng đồng dân tộc mình. Ông Kiến nhấn mạnh, hàng năm được tỉnh bạn mời trình diễn thực hành Then ông luôn sẵn sàng lên đường, dù rằng nhiều khi còn phải tự bỏ tiền túi để lo kinh phí đi lại... Thế nhưng khi biểu diễn và được bạn bè khắp nơi đón nhận thì ông hạnh phúc và tự hào lắm!

Đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Để bảo tồn, giữ gìn Then, tỉnh thường xuyên tổ chức rà soát, lập hồ sơ các nghệ nhân thực hành Then; kiểm kê chuyên đề di sản Then, tổ chức phục dựng, bảo tồn nghi lễ Cấp sắc Then; mở các lớp truyền dạy thực hành Then tại các xã có nghệ nhân Then sinh sống.

Mỗi tỉnh đều có những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú vẫn đang miệt mài lưu giữ và truyền dạy nghi lễ Then. Bên cạnh những lớp học trực tiếp do các nghệ nhân đứng lớp thì nhiều nghệ nhân trẻ tổ chức các lớp học trực tuyến cho những người ở xa. Họ đã linh hoạt quảng bá, giới thiệu những điệu hát Then, nghi lễ Then lên mạng xã hội. Tiêu biểu là nghệ nhân Chu Văn Thạch (Chiêm Hóa) và nghệ nhân Nguyễn Xuân Hữu ở Hà Giang.

Đi cùng niềm tự hào là trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn giá trị Then. Đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cam kết đảm bảo Di sản Thực hành Then bảo tồn, lưu giữ và phát triển tốt nhất. Bên cạnh những nỗ lực tích cực từ mỗi địa phương thì việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ Liên hoan hát Then - đàn Tính toàn quốc 3 năm/lần là một hoạt động ý nghĩa. Điều này giúp thực hành Then có được môi trường nuôi dưỡng, quảng bá, phát triển...

Theo: ĐNTQ

 


Bài viết liên quan