Đền Hạ được xây dựng năm 1738 thời Lê Cảnh Hưng (nhà hậu Lê) do nhân dân Hiệp Thuận, xã Ỷ La, huyện Hàm Yên (tức thành phố Tuyên Quang) ngày nay góp công xây dựng. Đền thờ đức thánh Mẫu Thượng thiên (được đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh). Là vị đứng trong bộ Tam toà Thánh Mẫu (gồm Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải) của Đạo Mẫu Việt Nam.
Lễ hội Đền Hạ được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Hai âm lịch với 2 phần: Phần lễ, bao gồm lễ rước kiệu Mẫu từ đền Mẫu Ỷ La về Đền Hạ; lễ rước kiệu Mẫu từ Đền Thượng về Đền Hạ và tổ chức Lễ tế tại Đền Hạ. Phần hội, tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá - văn nghệ sôi nổi, phong phú, lôi cuốn sự tham gia của đông đảo người dân thành phố Tuyên Quang và du khách thập phương.
* Lễ rước Mẫu:
Từ đền Ỷ La khởi hành vào 8 giờ 30' ngày 11/02 âm lịch. Lộ trình theo đường quốc lộ số 2 đến ngã ba Sở giao thông theo đường Tân Trào về đến đường Bình Thuận rẽ phải đến ngã 8, rẽ trái theo đường Quang Trung đến ngã 3 giao nhau với đường Chiến thắng sông Lô rẽ vào Đền Hạ.
Từ đền Thượng khởi hành vào 7giờ 5 phút ngày 12/02 âm lịch. Lộ trình đi theo đường bờ sông (Nông Tiến đi Kim Bình ) qua cầu Nông Tiến đến ngã 4 (Cổng thành Nhà Mạc) rẽ tay trái theo đường Bình Thuận tới ngã 8 rẽ trái theo đường Quang Trung đến ngã 3 giao nhau với đường chiến thắng Sông Lô rẽ vào Đền Hạ (trước đây có rước trên sông).
Khi kiệu về tới Đền Hạ, quay kiệu hướng vào cửa chính - đặt kiệu trước tiền sảnh có trải thảm. Lễ đón trang án được thực hiện trước cửa chính của đền Hạ; tuần tự rước vào cung.
* Lễ hoàn cung:
Vào giờ 8 giờ ngày ngày16/02 âm lịch
- Thực hiện lễ tế xin được hoàn cung.
- Lễ tế theo trình tự như rước đi nhưng đồng thời cả hai đám rước kiệu Mẫu đền Thượng đi trước, kiệu mẫu đền Ỷ La đi sau. Đến ngã 4 đường Tân Trào - Bình Thuận (cổng thành Nhà Mạc) sẽ có lễ trạm kiệu để diễn tả các Mẫu chào nhau. Sau đó kiệu Mẫu đền Thượng theo đường cũ qua cầu Nông Tiến trở về; kiệu mẫu Ỷ La đi theo đường Tân Trào trở về.
- Về tới đền Ỷ La và đền Thượng, 2 đền tổ chức lễ hoàn cung, có đại tiệc khao quân phân phát lộc, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ nhân dân và du khách tại cửa đền (phần tế lễ do các đội tế của đền Thượng và đền Ỷ la đảm nhiệm ).
Đền Hạ là một công trình kiến trúc cổ mang tính kế thừa và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Đền Hạ không chỉ là nơi thờ phụng của nhân dân trong vùng mà còn có sức cuốn hút đối với khách thập phương xa gần. Các lễ hội được tổ chức tại đền đều mang tính cộng đồng cao. Người dân đến đây để bày tỏ khát vọng của mình trong cuộc sống ngày thường, họ cầu mong cho cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa để mùa màng được tốt tươi. Tín ngưỡng thờ Mẫu được bắt nguồn từ sự tưởng nhớ tới nguồn gốc, tổ tiên, được xuất phát từ lòng tôn kính chứ không phải là sự mê tín, dị đoan. Thông qua đó con người thấy gắn bó hơn với cộng đồng, với mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình.
Nguyễn Thị Hải