Tuyên Quang, mảnh đất có 22 dân tộc cư trú, ở mỗi cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này đều có những nét văn hoá, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng. Chính những nét đặc trưng của văn hoá đã cấu kết trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đóng góp cho kho tàng văn hóa của cả nước.
Biểu diễn điệu hát Soọng cô của người dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang.
Hát Soọng cô là một trong 2 di sản đã được ngành Văn hóa của tỉnh hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào đầu năm 2015 này. Hát Sọong cô là lối hát dân gian của người Sán Dìu. Qua làn điệu Soọng cô cho thấy sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Sán Dìu, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn có giá trị trong việc cố kết cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, mỗi công đồng dân tộc thiểu số sinh sống trên mảnh đất Tuyên Quang đều đóng góp những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thực sự tiêu biểu. Trên cơ sở những di sản này, trong những năm qua ngành Văn hóa của tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng để vừa khơi dậy việc bảo tồn ngay chính trong cộng đồng dân tộc, vừa khảo cứu để hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học của các di sản này. Chỉ tính riêng trong 2 năm, từ 2012- 2013, Tuyên Quang đã có 4 di sản là Hát Then, Lễ hội Lồng tông của cư dân đồng bào Tày; Lễ Cấp sắc và hát Páo dung của đồng bào dân tộc Dao được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Trong năm 2014 này, Tuyên Quang cũng đã kịp hoàn thiện thêm 2 hồ sơ về hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu và Kéo co truyền thống của đồng bào Tày để tiếp tục đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nhìn lại một số Di sản cấp Quốc gia ở Tuyên Quang cho thấy, đây là những di sản thực sự tiêu biểu, mang tính đại diện cao. Hiện một số di sản khác của đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng đang được ngành Văn hóa của tỉnh triển khai các phương án như: Nghiên cứu, sưu tầm và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học để dòng chảy văn hóa này có điều kiện phát triển lâu bền trong đời sống xã hội./.
Theo Tuyenquangtv.vn