Dân tộc Pà Thẻn sống tập trung chủ yếu ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình hiện chỉ có khoảng 500 người nhưng đây là dân tộc còn lưu giữ nhiều lễ hội và phong tục từ xưa để lại, trong đó có lễ hội nhảy lửa độc đáo, mang đậm nét huyền bí và hoang sơ.
Nhảy lửa là một lễ nghi thần bí của người dân tộc Pà Thẻn, được coi như lễ hội mừng lúa mới và thường được tổ chức trong thời tiết lạnh giá của mùa đông trên vùng núi cao. Ngoài sự thần bí, nghi lễ này cũng để cầu mong sức khỏe cho dân làng, mùa màng bội thu cho bà con. Một đống lửa lớn sẽ giúp mang lại sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho một năm mới được an khang, thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.
Để bắt đầu một lễ hội nhảy lửa phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Khi một đống lửa lớn được đốt lên ở giữa bãi để thành than nóng cho những người nhảy lửa biểu diễn cũng là lúc thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài từ 1 thậm chí đến cả 3, 4 giờ đồng hồ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo. Đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Sau đó anh ta nhảy vào đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tỉnh cơn và tiếp tục làm lễ nhập đồng. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người.
Khi thầy cúng và các trai làng còn trong quá trình làm lễ, các cô gái diện những bộ trang phục đẹp nhất của mình cùng nhau múa hát góp phần tạo thêm sắc màu cho đêm hội.
Hiện nay, tại các bản làng của người Pà Thẻn, lễ hội nhảy lửa vẫn được gìn giữ nguyên sơ và được tổ chức thường xuyên vào dịp lễ Tết. Đây là một trong những tâm điểm thu hút khách du lịch mỗi dịp xuân về, giúp du khách khám phá thêm những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang nói riêng cũng như các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói chung.
Phạm Hương