Một tiềm năng về du lịch sinh thái

Núi Khe Pặu, xã Lăng Can (Lâm Bình) có diện tích khoảng 1,35km2, được cấu tạo bởi các trầm tích lục nguyên xen lẫn đá vôi, có hệ sinh thái còn tương đối nguyên thủy với động, thực vật phong phú, đa dạng. Núi Khe Pặu đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa cảnh quan và tiểu khí hậu của khu vực nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

   Bao quanh núi là suối Nậm Trang và Nậm Luông chảy về hướng Bắc, đổ ra Sông Gâm tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình. Núi nằm ở khu vực trung tâm của huyện lại tiếp giáp với khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang. Trước những điều kiện thuận lợi nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đã nghiên cứu đánh giá, địa chất và thảm động, thực vật núi Khe Pặu, nhằm phục vụ phát triển kinh tế du lịch.

     Nhóm nghiên cứu của Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá địa hình,
địa mạo khu vực núi Khe Pặu, xã Lăng Can (Lâm Bình).


   Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực vật bậc cao có mạch phân bố trên toàn bộ diện tích núi Khe Pặu bao gồm 289 loài, có 4 loài thực vật quý hiếm như: Nghiến, lá khôi, ba gạc vòng và cốt toái bổ. Hệ thực vật bậc cao phân loài và thứ thuộc 237 chi, 95 họ của 4 ngành thực vật. Trong đó ngành thông đất có 2 họ, 2 chi, 2 loài; ngành dương xỉ có 7 họ, 10 chi, 11 loài; ngành mộc lan - hạt kín có thành phần loài đa dạng nhất: 86 họ, 225 chi, 276 loài, so với cả nước thì thực vật bậc cao có mạch ở núi Khe Pặu có mức độ đa dạng về thành phần loài khá cao. Đối với hệ động vật khu vực núi Khe Pặu có nhiều loài động vật, như: Động vật trên cạn có 13 loài, trong đó có loài động vật quý hiếm là tắc kè rivơ (Gekko reevesii) ghi trong sách đỏ Việt Nam (2007); ngoài ra là 94 loài chim; 39 loài thú và các loài thủy sinh vật đa dạng khác.

   Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, khu vực núi được cấu tạo gồm các khối đá vôi nhô cao và được bao bọc xung quanh bởi các cánh đồng, thung lũng tạo nên cảnh quan đẹp; địa hình tàng phong đắc thủy đa dạng của ao hồ, suối ôm vòng núi đá và nhiều hang động có bán kính từ trung bình đến nhỏ rất kỳ thú nằm ở phía Tây Bắc và phía Đông của núi. Cao độ biến thiên từ khu vực núi có khả năng lập quy hoạch đô thị biến thiên từ cốt dương 175 đến 125m, thấp dần từ Tây, Đông sang Bắc. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho hệ động, thực vật trên núi phát triển. Với các đặc điểm địa hình, địa mạo nêu trên có thể thấy khu vực núi có điều kiện địa lý, địa mạo tự nhiên thuận lợi cho việc quy hoạch và thiết kế các tuyến du lịch giã ngoại từ thung lũng lên các đỉnh núi của khu vực.

   Qua nghiên cứu, đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, khu vực núi Khe Pặu có đặc tính đa dạng sinh học gần gũi và tương đồng với khu vực bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, cho nên cần thiết phải nghiên cứu tạo tính kết nối trong quần thể phát triển du lịch, đồng thời đưa núi Khe Pặu vào hành lang bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là một số loài động vật quý hiếm, trong đó có một số loài thực vật cần bảo vệ nguồn gen quý làm dược liệu.

   Với đặc điểm địa chất, địa hình, nguồn tài nguyên... núi Khe Pặu có thể phát triển thành khu du lịch thiên nhiên đặc sắc.

Theo TQĐT 


Bài viết liên quan