Nghiên cứu về Tân Trào là nghiên cứu quá trình phát sinh, phát triển của tư tưởng chiến lược, cùng sự chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, đi sâu tìm hiểu vai trò, vị trí địa lý, ý nghĩa lịch sử của Khu di tích; thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ, các dân tộc Tuyên Quang nói riêng cũng như nhân dân Việt Nam nói chung, đặc biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
* Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn Tân Trào đặt đại bản doanh để chỉ đạo cách mạng Việt Nam
Chỉ chừng một tuần sau khi từ bên kia biên giới trở lai Cao Bằng, Bác Hồ rời Pác Bó, bắt đầu cuộc hành trình lịch sủ Pác Bó - Tân Trào.
Lúc này trên chiến trường Châu Âu, chiến tranh sắp kết thúc với sự toàn thắng của Đồng Minh chống phát xít Đức, trên mặt trận Châu á - Thái Bình Dương, quân đội Nhật Bản đang bị dồn vào bước đường cùng. Tại Việt Nam sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, dưới sự động viên của Mặt trân Việt Minh, cách mạng đang tiến tới cao trào tiền khởi nghĩa, từ nông thôn đến thành thị, từ rừng núi đến đồng bằng.
Tình hình đòi hỏi một sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kịp thời, trước thời cơ khởi nghĩa đang chín muồi nhanh chóng. Muốn vậy phải khắc phục khó khăn thực tế lúc đó: lãnh đạo ở Pác Bó trong khi tập thể Trung ương Đảng và Thường vụ hoạt động ở miền xuôi.
Với trí tuệ của một nhà cách mạng thiên tài, Người đã tiên lượng đựơc những khó khăn chồng chất trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù, khi mà trình độ tác chiến và trang bị kỹ thuật của địch vượt trội ta gấp bội lần. Căn cứ tình hình thực tế hết sức nghiệt ngã lúc bấy giờ, đồng thời phân tích âm mưu thâm độc của kẻ thù, Bác Hồ cho rằng bọn thực dân và bè lũ tay sai sẵn sàng rình rập, chụp bắt, xoá sổ cơ quan Trung ương Đảng bất cứ lúc nào. Qua phân tích các cuộc cách mạng đã tổ chức thành công trên thế giới, Bác Hồ cho rằng: những điều kiện ban đầu của cuộc vận động khởi nghiã, khác rất nhiều với các cuộc kháng chiến chống kẻ thù trước đây của dân ta và thế giới trải qua; sẽ là mạo hiểm nếu trong tình hình hiện nay, chúng ta lại đặt cơ quan đầu não lãnh đạo ở xa miền xuôi, không tập trung. Chính vì vậy, từ quá trình tìm hiểu, lựa chọn, cân nhắc và xem xét các điều kiện cụ thể, đặc biệt là nghiên cứu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, tấm lòng và tình cảm của người dân vùng đất này đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng. Do vậy, Tân Trào đã được chọn là đại bản doanh của cách mạng trong những ngày sôi động của cao trào kháng Nhật cứu nước.
Trong tiềm thức và kinh nghiệm của Người, địa điểm của Ngươì và Trung ương Đảng làm việc phải tuyệt đối bí mật, kẻ địch không thể phát hiện, phải là nơi có địa thế hiểm trở "Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ", dễ dàng, thuận lợi cho việc cơ động, di chuyển của ta; phải là nơi: "Trên có núi - dưới có sông - có đất ta trồng - có bãi ta vui - tiện đường sang Bộ Tổng - thuận lối sang Trung ương - nhà thoáng ráo, kín mái - gần dân, không gầp đường"; phải là nơi có hệ thống sông suối tươi tiêu tự nhiên, có thể sản xuất, tự túc một phần lương thực; phải là nơi có hệ thống đường mòn chằng chịt toả đi các huyện, các tỉnh khác để có khả năng thu nhận tin tức và tiếp tế của bên ngoài; phải là nơi theo các đường mòn và những lối đi kín đáo, có thể dễ dàng đi ra nước ngoài, liên hệ với quốc tế.
Xét trên tổng thể Tân Trào hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện đó đấy là "Địa lợi"
Vùng Tân Trào có khỏang gần hai nghìn hộ dân. Cư dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chí.... mỗi dân tộc tuy phong tục, tập quán riêng. Song nhân dân nơi đây luôn mang trong mình sâu đậm tình yêu quê hương, đất nước. Đó là nhân tố quan trọng kết nối họ lại thành một khối vững chắc. Trong sự nghiệp dựng nước và gữi nước, nhân dân các dân tộc vùng căn cứ đại Tân Trào đã kề vai, sát cánh cùng với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang chống lại áp bức, cường quyền của chế độ thống trị trong nước và nạn ngoại xâm, xậy dựng nên một truyền thống đấu tranh của dân tộc mình. Với phẩm chất đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường, cần cù, dũng cảm, trung thành, tận tuỵ với cách mạng của người Tân Trào, tháng 5 năm 1945, Bác Hồ quyết định rời Cao bằng về Tân Trào chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.
Xét về yếu tố "nhân hoà" Tân Trào đã củng cố niềm tin cho lãnh tụ Hồ Chí Minh
Từ cuối năm 1941 đầu năm 1942 ánh sáng cách mạng đã rọi chiếu đến khu vực sinh sống của đồng bào Tày, Dao, Nùng… ở Tân Trào (phía Đông Bắc Sơn Dương). Đặc biệt từ những năm 1943 vùng giáp danh ba huyện Đại Từ, Định Hoá, Sơn Dương và Tân Trào là trung tâm, cơ sở và phong trào Việt Minh phát triển mạnh. Cho tới cuối năm 1943, kết quả phong trào Nam tiến (từ Cao Bằng xuống Bắc Cạn) và Bắc tiến (từ Bắc Sơn, Võ Nhai lên) làm cho khu căn cứ phía Nam này (Đại Từ, Định Hoá, Sơn Dương, Yên Sơn) nối liền một dải với căn cứ Cao Bằng qua Chợ Đồn, Chợ Rã, Ngân Sơn (Bắc Cạn), Việt Minh hoàn toàn làm chủ vùng núi, nhất là địa bàn người Dao. Ban Việt Minh các cấp gữi chức năng như chính quyền cách mạng. Cuối năm 1944, khu căn cứ cách mạng Tân Trào được tăng cường thêm cán bộ mới thoát tù ra (Chợ Chu- Định Hoá), trong đó có đồng chí Song Hào, xứ uỷ viên Bắc Kỳ, phong trào cách mạng có điều kiện mở rộng. Hành lang chính trị của Việt Minh vươn về mọi phía: xuống nam Sơn Dương, tới bắc Lập Thạch (Vĩnh Yên); sang nam Đồng Hỷ (Thái Nguyên) nối liền với các cơ sở quần chúng cách mạng do lực lượng cán bộ Căng Bá Vân chỉ đạo, xây dựng thông xuốt với ATK (an toàn khu) dự bị của Trung ương trên vùng đất Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên )và Hiệp Hoà (Bắc Giang). Phía tây qua Yên Sơn, nối liền với Chiêm Hoá, Na Hang (Tuyên Quang) liên lạc được với Lục Yên Châu (Yên Bái).
Thanh La gần Tân Trào là nơi đóng chỉ huy sở của phân khu B thuộc chiến khu Hoàng Hoa Thám do đồng chí Song Hào chỉ huy.
Ngay sau ngày đảo chính Nhật - Pháp, vận dụng chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Thường vụ Trung ương Đảng (ra ngày 12/3/1945) quân và dân vừng căn cứ địa Tân Trào đã vùng dậy tước súng lính dõng, nhổ đồn bốt, phá tan chính quyền địch, thành lập chính quyền từ xã đến châu (phủ).
Cho tới tháng 5 năm 1945, từ Tân Trào, Giải phóng quân đã liên lạc hầu hết các chiên khu ở miền Bắc: qua Bắc Giang liên lạc với chiên khu Trần Hưng Đạo, theo hướng Quảng Yên, Hải phòng ra biển; qua vùng Trung du Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ… liên lạc với phong trào miền xuôi và chiến Khu Quang Trung (Hoà - Ninh - Thanh); qua Yên Bái, Sơn La (nằm trong chiến khu Tây Bắc) liên lạc với cơ sở biên giới Việt - Lào; qua ATK dự bị của Trung ương, liên lạc với ATK chính thức của Trung ương đóng trên địa bàn Vạn Phúc (Hà Đông).
Vùng căn cứ địa Tân Trào là một địa điểm có dân tốt, đại hình tốt, thuận lợi làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài. Để làm nơi ở và làm việc của Người và Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo cuộc Tổng khơi nghĩa.
Có thể khẳng định rằng, sự lựa chọn Tân Trào là "Thủ đô khu giải phóng" không phải là một ngẫu nhiên, mà là sự cân nhặc nhiều mặt, một quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, chí tuệ mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tân Trào thực sự là mảnh đất hàm chứa đầy đủ ba nhân tố "Thiên thời, địa lợi, nhân hoà".
* Những quyết định quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám tại Tân Trào.
Ngay sau khi đến Tân Trào (ngày 21/5/1945), một trong những chỉ thị đầu tiên của Người là phải mở trường đào tạo cán bộ. Đầu tháng 6 năm 1945 Trường Quân chính kháng Nhật khai giảng tại Khuổi Kịch, hàng trăm thanh niên khắp mọi miền của tổ quốc và Thủ đô Hà Nội đã lên chiến khu, đến Tân Trào tham dự các khoá học huấn luyện chính trị, quân sự.
Ngày 4/6/1945, Hội nghị Cán bộ đuợc triệu tập, quyết định thành lập Khu giải phóng đặt dưới quyền điều hành của Uỷ ban chỉ huy lâm thời. Với diện tích trừng 4 vạn kilômet vuông và hơn 1 triệu dân, Khu giải phóng gồn các châu, huyện 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và 1 phần của các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên, Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng, vùng căn cứ địa này là hình ảnh ban đầu của một chế độ mới. Muời chính sách lớn của Việt Minh sớm được công bố và thực hiện trong toàn Khu giải phóng. Với mười chính sách đó, Khu giải phóng không ngừng được củng cố về mọi mặt.
Suốt trặng đường Pác Bó - Tân Trào cũng như suốt thời gian dừng chân ở Tân Trào, Bác vẫn giữ liên lạc chặt chẽ (bằng vô tuyến điện) với cơ quan chiến lược Mỹ (O.S.S) ở Hoa Nam. Mối liên lạc này được hình thành sau chuyến người đi Côn Minh (tháng 02/1945) và sau cuộc gặp tướng Sênôn (Chennault), Tư lệnh không đoàn 14 Mỹ ở Hoa Nam. Chỉ chừng nửa tháng sau, Người được thông báo: một toán người Mỹ, do một sỹ quan cao cấp chỉ huy sẽ thả dù xuống Tân Trào, Pátti yêu cầu phía Việt nam chuẩn bị tiếp nhận. Được tin Bác đích thân đến Lũng Cò thuộc xã Minh Thanh tìm hiểu tình hình mọi mặt và khảo sát địa hình, chọn địa điểm làm sân bay để đón quân Đồng Minh, được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương chỉ trong hai ngày một sân bay ra chiến đã được xây dựng xong ở Lũng Cò. Máy bay cỡ nhở có thể lên xuống được.
Cũng trong dịp này, có tin ba cường quốc (Xô - Mỹ - Anh) họp hội nghị Pốtxđam (Béclin), từ ngày 17 tháng 7, để bàn về những vấn đề hậu chiến, ngày 25/7/1945, qua thiếu tá Thomas, Bác Hồ nhờ phía Mỹ báo cho Pháp biết Người sẵn sàng nói chuyện với đại diện Pháp, hoặc ở Côn Minh (Trung Quốc) hoặc ở Bắc Kỳ. Bác còn gửi cho chính phủ Pháp một bản đề nghị 5 điểm.
Đầu tháng 8, Bác chỉ thị chọn 200 chiến sỹ để đội "Con Nai" huấn luyện sử dụng vũ khí mà Đồng Minh đã tiếp tế cho ta. Đại đội Việt - Mỹ ra đời, do đồng chí Đàm Quang Trung làm đội trưởng, thiếu tá Thomas làm tham mưu trưởng.
Đúng vào những ngày này, qua điện đài của nhóm Thomas, Bác được tin ngày 6 tháng 8, Mỹ nén bom nguyên tử xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản. tiếp đó là tin Hồng quân Liên Xô mở mặt trận Viễn Đông, tiến công đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu - Đông Bắc Trung Quốc.
Cùng với cao trào Kháng Nhật đang phát triển rất mạnh trong cả nước Việt Nam, cuộc chiến tranh Châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra màn chót, Người đã chỉ thị xúc tiến gấp Hội Nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân. Ngày 13 tháng 8, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng được khai mạc, về dự có gần 30 đại biểu các miền, các chiến khu…Sau khi thảo luận, phân tích mọi mặt và đi đến kết luận: Những điều khởi nghĩa đã chín muồi, cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập …, hội nghị quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nứơc, Uỷ Ban toàn quốc được thành lập, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Nửa đêm 13-8, Uỷ Ban khởi nghĩa ra bản Quân lệnh số I, hạ lệnh toàn dân đứng dậy giành chính quyền.
Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa bế mạc, ngay hôm sau, ngày 16-8, Đại hội quốc dân khai mạc ở đình Tân Trào. Hơn 60 đại biểu của ba miền đất nước, đại biểu đoàn thể, các tôn giáo, đại biểu kiều ở nước ngoài, đã về dự đại hội. Sau khi thảo luận và nhất trí thông qua chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; thi hành 10 chính sách lớn của Mặt trận. Đại hội đã cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch, thống nhất quy định quốc kỳ, quốc ca…
Ngày 17- 8, trước đình Tân Trào, thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng, Bác Hồ đọc lời tuyên thệ: " …Trước lá cờ thiêng liêng của tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước…Xin thề!". Sau Đại hội cũng là lúc Bác Hồ soạn thảo xong Bức thư kêu gọi quốc dân Việt Nam (ký Nguyễn ái Quốc).
Trong những ngày này, Bác vẫn gữi liên lạc chặt chẽ với nước ngoài. Ngày 15, nhân danh Uỷ ban Dân tộc Giải phóng - Mặt trận Việt Minh, Người gửi thư sang Côn Minh, nhờ chính phủ Hoa kỳ thông báo với Liên hiệp quốc: "Yêu cầu Liên hiệp quốc thực hiệ lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hiệp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn…". Ngày 18, cũng nhân danh Uỷ ban Dân tộc Giải phóng và qua người Mỹ, người gửi thông điệp cho các nước Đồng Minh. Trong thông điệp gửi chính phủ Pháp, Người nêu ra đề nghị 5 điểm: 1) Chính phủ Pháp công nhận chính phủ Việt Minh; 2) Việt Minh công nhận quyền của Pháp ở Việt Nam trong vòng từ 5 đến 10 năm, sau đó Chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam; 3)Trong vòng 5-10 năm đó, Việt Nam hưởng quyền tự trị đối nội; 4) Chính phủ Pháp hưởng quyền ưu đãi trong kỹ nghệ và thương mại ở Việt Nam; 5) Người Pháp có thể làm cố vấn về ngoại giao.
Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám nổ ra đầu tiên ở Bắc Giang, Hà Nội và nhiều tỉnh thành Bắc Bộ, rồi lan rộng khắp các địa phương trong cả nước và kết thúc việc giành chính quyền vào ngày 25-8-1945 ở Sài Gòn. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là kết quả những ý tưởng đầy tính khoa học và tính thực tiễn mà chính Người cùng Trung ương Đảng ngay từ những ngày đầu về Tân Trào đã sớm nhận thức và kịp thời tổng kết để hình thành nên chiến lược và sách lược khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mácxít Lêninnít.
Để có ngày hôm nay chúng ta không bao giờ quên cuộc hành trình Pác Bó - Tân Trào lịch sử của Bác Hồ, và Tân Trào, Thủ đô của cách mạng, không chỉ chứng kiến mà còn có những đóng góp quan trọng vào bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc, sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dựng nước và gữi nước của dân tộc Việt nam, và gắn liền với chặng đường hoạt động hết sức vẻ vạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Nguyễn Thị Hải -TTXTĐT