ĐÌNH XÃ TẮC

Đình Xã Tắc, tổ 21, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang), là một trong những ngôi đình cổ của tỉnh Tuyên Quang. Tại đình còn lưu giữ sắc phong của vua Minh Mạng 14 (năm 1833) về việc lập “Đàn Xã Tắc ở xã Ỷ La”, mà dấu vết chính là địa điểm của ngôi đình Xã Tắc ngày nay

    Theo sử sách, đàn Xã Tắc được dựng lên để tiến hành các nghi lễ cầu thần đất và lúa giúp quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, do đích thân nhà vua hoặc một vị đại thần thay mặt vua tiến hành thực hiện.

    Việc xây dựng đàn Xã Tắc đơn giản nhưng rất kỳ công. Đàn được đắp ở địa thế cao ráo, có dạng hình vuông gồm hai tầng. Mặt chính quay về hướng Bắc, phía Nam có bức bình phong chắn. Hai tầng trên dưới đều có lan can. Vào thời nhà Nguyễn, triều đình đã huy động tất cả dinh trấn trong cả nước tìm đất sạch đem nộp để đắp đàn và triều đình rất chú trọng việc cúng tế ở đàn. Đàn được coi là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của triều đình, đồng thời chỉ được xây dựng ở một số tỉnh thành lớn như: Hà Nội, Ninh Bình, Huế.

    Ở tỉnh Tuyên Quang vào thời nhà Nguyễn, theo sách "Đại Nam nhất thống chí" cho biết: Đàn Xã Tắc ở xã Ỷ La, dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1833). Trường hợp đàn Xã Tắc được xây dựng ở Tuyên Quang dường như là một ngoại lệ. Dưới triều vua Minh Mệnh, thực dân Pháp ráo riết đánh chiếm các tỉnh thành miền Bắc nước ta. Trước tình thế đó, triều đình nhà Nguyễn có ý định tăng cường phòng thủ ở những tỉnh miền núi, biên giới bằng v iệc củng cố thành lũy, tăng cường vũ khí, bổ nhiệm đến trấn thủ tỉnh thành miền núi những viên quan được xem là có năng lực nhất. Đàn Xã Tắc ở Tuyên Quang được xây dựng để tế trời đất, cầu viện thần linh phù hộ cho cuộc chiến chống ngoại xâm và động viên tinh thần tướng sĩ hăng hái đánh giặc.

    Dấu vết của đàn Xã Tắc ngày nay tuy không còn nhưng địa điểm dựng đàn xưa kia hiện nay chính là ngôi đình Xã Tắc thuộc tổ 21, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang - nơi đã từng được coi là đất linh thiêng nhất của một vùng và ngoài ra còn là một ngôi đình làng, đình thờ Thành hoàng làng - ông vua tinh thần của làng xã phong kiến Việt Nam ngày trước. Đình Xã Tắc có kiến trúc hình chữ Đinh gồm hai gian. Đình được xây dựng bằng vật liệu bền vững, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói móc, nền lát gạch men, các cấu kiện đơn giản, kẻ suốt bào trơn. Do khuôn viên của đình không có, diện tích hẹp nên các ban thờ không được đặt đúng vị trí, các pho tượng đặt xen kẽ nhau.

    Tại Đình còn lưu giữ hai sắc phong triều Nguyễn, một bức đại tự bằng gỗ, bốn ngai thờ bằng gỗ và một số đề tự.

    Đình Xã Tắc là một trong hai ngôi đình còn tồn tại trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương.

Phạm Hương


Bài viết liên quan