Nghề báo đã chọn tôi

Trong cuộc đời công tác, ông đã 28 năm có lẻ gắn bó với tờ Báo Tuyên Quang. Bắt đầu từ một người phóng viên say nghề, rồi đến cương vị Tổng Biên tập, lúc nào ông cũng đau đáu “viết gì cho hay, trúng, đúng, chính xác” để xây dựng vị thế tờ báo Đảng. Tuy đã chuyển ngành hơn 10 năm, chất báo chí trong người ông vẫn thường trực, luôn dõi theo sự phát triển của những người làm Báo Tuyên Quang hôm nay. Ông là Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang.

   Giật mình vì có giấy gọi đi làm báo

    Chặng đường báo chí cách mạng đã trải qua tròn 90 năm. Vào dịp này những người làm báo ai cũng bồi hồi, xúc động. Ông Nguyễn Việt Thanh, sinh năm 1955, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có tâm trạng như vậy. Nói về nghề báo, ông trút bầu tâm sự, cái máu báo chí trong ông ùa về. Ông kể: “Mình sinh ra trong một gia đình dân tộc Kinh ở xã Phú Thịnh (Yên Sơn) và chẳng có ai liên quan đến nghề báo cả nhưng đã được nghề báo chọn”. Bố mẹ đều làm ruộng, sinh được 7 người con, ông là con cả. Do gia đình nghèo khó, hồi học cấp 1, ông Thanh thường phải nghỉ học ở nhà trông em. Nhưng do đầu óc “sáng sủa” lại có tính ham học nên ông cũng vượt qua được cấp 1 để lên xã Đạo Viện (Yên Sơn), cách nhà 8 km theo học cấp 2. Đây là mô hình trường bán trú, sáng lên lớp học, chiều lao động tăng gia sản xuất. Chỉ thứ 7 mới được về nhà, chủ nhật lại phải đi bộ lên trường.

   Học xong cấp 2, ông Thanh xung phong khám sức khỏe để xin đi bộ đội nhưng không đạt. Buồn vì nguyện vọng đi bộ đội không thành, ông lại quyết tâm theo học cấp 3 ở Trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa Tuyên Quang (xã Kim Quan, Yên Sơn). Trường cách nhà 30 km, cũng theo hệ vừa học vừa làm. Tháng 6-1975, ông học xong cấp 3 hệ 10/10, đi khám Trung cấp An ninh nhưng rồi cũng bị loại vì tiêu chuẩn sức khỏe. Mấy tháng ra trường ở nhà, cậu học trò giỏi Văn, Toán cấp huyện, tỉnh lúc nào cũng có cảm giác buồn, không tính chuyện thi đại học. 

Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
là một độc giả thường xuyên của Báo Tuyên Quang, nơi ông đã gắn bó 28 năm công tác.

   Tháng 10-1975, bỗng nhiên ông “giật mình” thấy giấy gọi của Báo Tuyên Quang tuyển phóng viên hệ vừa học vừa làm. Chả là thời điểm này, Báo Tuyên Quang đang cần bổ sung một lực lượng phóng viên nhưng không tìm đâu ra nguồn. Báo đã liên hệ với các trường cấp 3, xét tuyển hồ sơ dựa trên kết quả học tập. Trong khi đó, ông Thanh là học sinh giỏi Văn, hi vọng sẽ có năng khiếu làm báo.

    Vào Báo Tuyên Quang thử việc, ông được chế độ phụ cấp 36 đồng (lúc đó 4 hào 1 bát phở). Đầu năm 1976, ông được tuyển dụng chính thức với mức lương 42 đồng. Công việc của ông Thanh lúc này là đọc báo, tài liệu về cách làm báo, sửa mo rát, phụ giúp hành chính đi mua lương thực, thực phẩm cho cơ quan. Tháng 5-1976 sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên, ông được phân công lên địa bàn Hà Giang công tác, gắn bó với vùng cao. Thời điểm này, mỗi phóng viên mới được một phóng viên có kinh nghiệm kèm cặp. Ông Nịnh Thái Học phóng viên của tờ “Việt Nam độc lập” thuộc Khu Tự trị Việt Bắc được giao kèm cặp ông Thanh.

    Chỉ sau 6 tháng lăn lộn ở cơ sở, ông Thanh đã viết những bài phóng sự, điều tra được Ban Biên tập đánh giá cao. Ông viết sâu về mảng nông nghiệp, đổi mới ở các hợp tác xã toàn xã, xây dựng Đảng, xã luận. Để nâng cao chất lượng tin, bài, ông Thanh thường xuyên đọc lại tin, bài đã biên tập, tin và bài của các báo Trung ương. Ngày đó, phương tiện đi lại khó khăn lắm, địa bàn lại rộng, ông phải mượn bố cái xe đạp cũ để đi. Sau này, ông cụ bán lợn cho ông thêm tiền mua chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Năm 1978, ông thi đỗ vào Đại học Tuyên giáo (Hà Nội), chuẩn bị đi học thì xảy ra sự kiện chiến tranh biên giới năm 1979, Ban Biên tập muốn giữ ông ở lại. Một số nhà báo có uy tín lúc ấy đấu tranh mãi để Ban Biên tập quyết định cho ông đi học.

   “Phó ngành” trẻ nhất

    Tốt nghiệp Đại học Tuyên giáo về công tác, một thời gian làm phóng viên mặt trận ở Hà Giang, cuối năm 1984 ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng Phóng viên, rồi Trưởng Phòng Phóng viên, Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn, nhiều lúc trực tiếp làm họa sỹ ma két. Với năng lực và lòng say nghề của mình, tháng 4-1988, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tuyên, trở thành “phó ngành” trẻ nhất tỉnh lúc bấy giờ, khi ông tròn 33 tuổi. Tháng 10-1990, ông được cử đi học Trường Đảng cao cấp Matxcơva. Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, ông về nước tiếp tục theo học lớp Chính trị cao cấp B46-Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc. Đến tháng 4-1999, ông chính thức được bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang. Trong quãng thời gian làm quản lý tờ báo, ông có công rất lớn trong việc cùng với Ban Biên tập cho ra đời ấn phẩm Tuyên Quang vùng cao, tăng kỳ phát hành báo thường kỳ 1 tuần 1 số, thành 1 tuần 3 số, nâng khổ báo, xây dựng các phòng nghiệp vụ, mở ra nhiều chuyên mục, đào tạo đội ngũ phóng viên trẻ có năng khiếu.

    Tháng 11 - 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định luân chuyển ông sang làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghe tin này ông bị “sốc” nặng. Bởi 28 năm có lẻ gắn bó, nghề báo đã ngấm vào máu ông, giờ “cai” hơi khó. Ông nài nỉ với cấp trên xin ở lại báo, dù làm phóng viên cũng được. Nhưng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi đó nói “Tập thể Ban Thường vụ đã quyết rồi”. Ngày sang làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng tâm tưởng ông vẫn nhớ bên báo. Hơn một tháng đầu, buổi trưa xong công việc ông lại tạt qua bên Báo Tuyên Quang ngồi một lúc cho đỡ nhớ. Ông vẫn tham gia cộng tác viết bài, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho báo. Ông đã cho “cải tạo” Bản tin của Sở 1 năm xuất bản 2 kỳ, thành Đặc san Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 1 quý phát hành 1 kỳ, tăng số trang lên 72, nhiều chuyên mục hấp dẫn, thiết thực. Từ năm 2007 đến 2015, trung bình mỗi năm Sở cho ra lò 2 đầu sách nâng cấp từ các đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó phần lớn do ông làm chủ biên, in chung. Với những cống hiến của mình, ông đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

    Cuộc đời làm báo của ông từ nghèo khó đi lên, từ năm 1975 đến 1995, ông ở nhờ nhà tập thể của báo. Sau mua đất Nhà nước “cắm’’ ông mới xây được nhà, xây nhà xong trả nợ 10 năm mới hết. Dù làm báo có nghèo nhưng ông rất đam mê với nghề, cố gắng cao nhất để có những bài báo hay. Giờ đã 39 năm công tác, 33 năm tuổi Đảng, ông chuẩn bị được Nhà nước cho nghỉ hưu. Ông vui vì chặng đường mình đã đi, đóng góp một phần cho sự phát triển của tỉnh nhà. Hiện con gái cả của ông cũng theo nghề bố, con trai thứ thì làm bên ngành công an. Hỏi về kinh nghiệm để viết một bài báo hay, ông chia sẻ: “Người làm báo cần phải có kiến thức sâu rộng, say công việc, tìm tòi chi tiết đắt, thiện cảm với người nói chuyện. Phương pháp là “học, đọc, đi, viết”; phải trăn trở tìm ra được những nhân tố mới; chuẩn bị tài liệu chu đáo; cách viết sáng tạo độc đáo, tránh dập khuôn…’’

    Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Thanh lại rưng rưng nhớ lại những chuyến công tác đạp xe đi vùng cao, nhớ những bản làng, những nhân vật mà ông đã gặp, đã viết. Một số bài báo giờ là kỷ niệm không bao giờ quên trong ông như: “Cây ngô Mèo Vạc”, “Chuyện của người nuôi cá Lăng trên sông Lô”, “Người nuôi cá Dầm xanh, Anh vũ dưới chân núi Pạc Mạ”, “Kinh nghiệm thâm canh tăng năng suất lúa ở hợp tác xã Đông Lợi”, “Xây dựng Đảng ở Đảng bộ Ỷ La”… Ông bảo, mình sắp nghỉ hưu nhưng còn sức mình còn viết, còn cống hiến. Ông vẫn luôn dõi theo những bước đi của các nhà báo trẻ hôm nay, kỳ vọng vào họ, phấn đấu chung cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan