Người dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang: Giữ báu vật Soọng cô

Cộng đồng người dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang có hơn 10.000 người. Tuy mới chiếm khoảng 1,4% dân số toàn tỉnh nhưng đồng bào Sán Dìu lại có những đóng góp rất lớn trong kho tàng văn hóa của tỉnh nhà. Một trong những báu vật văn hóa mà người Sán Dìu còn lưu truyền là hát Soọng cô - một Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

     Người Sán Dìu ở xã Ninh Lai (Sơn Dương) rất tự hào với bà con trong vùng khi biết làn điệu Soọng cô của họ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bao đời nay, câu hát Soọng cô đã ăn sâu vào trong đời sống văn hóa đồng bào nơi đây. Soọng cô không chỉ được hát ở các buổi giao lưu văn nghệ, các đám cưới, các buổi lễ truyền thống của đồng bào mà Soọng cô còn được nghe thấy trên cánh đồng, trên nương hay bên cánh nôi của một nhà ấm áp. Mấy năm nay, người Sán Dìu ở Ninh Lai có thêm một nơi để những người yêu làn điệu Soọng cô của dân tộc mình được hát, được nghe, được giao lưu, học hỏi. Ấy là Câu lạc bộ Hát Soọng cô của xã. Câu lạc bộ có hơn 100 thành viên, thôn nào trong xã cũng có người tham gia. Ông Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai cho biết, mới đầu các thành viên chủ yếu là những người lớn tuổi nhưng thời gian gần đây, câu lạc bộ đã kết nạp thêm nhiều thành viên là thiếu nhi. Ông Bảy hy vọng, điệu ca độc đáo của dân tộc mình sẽ được thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy trong tương lai.

Hát Soọng cô trong Lễ “Chắn cửa” ở đám cưới truyền thống dân tộc Sán Dìu.

    Xã láng giềng của Ninh Lai là Sơn Nam (Sơn Dương) cũng thành lập được Câu lạc bộ hát Soọng cô mấy năm nay. So với Ninh Lai, Câu lạc bộ ở Sơn Nam ít thành viên hơn nhưng lại có thành viên trẻ ngay từ những ngày đầu thành lập. Làn điệu Soọng cô hàng tuần được các thế hệ trước truyền cho giới trẻ qua những buổi sinh hoạt. Cái độc đáo của Soọng cô là hát không nhạc đệm, lời ca, giai điệu nằm ở trong ngôn ngữ của dân tộc Sán Dìu. Có lẽ vì thế mà những người trẻ tuổi khi được học hát Soọng cô rất dễ “mê” điệu hát của dân tộc mình. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hát Soọng cô có 3 môi trường diễn xướng. Hát trong nhà, hát trong đám cưới và hát trong lao động sản xuất. Hát trong nhà chủ yếu là những khúc hát giao duyên của các chàng trai, cô gái Sán Dìu khi đến thăm nhà, thăm làng nhau. Hát trong đám cưới thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc bằng những câu nói tâm tình giàu nhạc điệu. Hát trong lao động sản xuất là những câu hát được xướng ca trong những phút ngẫu hứng khi đi làm đồng, khi lên nương. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Soọng cô không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật dân gian mà còn là tâm thức của dân gian về những hiện tượng lịch sử, xã hội nhất định. Sở dĩ như vậy bởi nội dung của Soọng cô là tất cả những gì hiển hiện trong đời sống bình dị của đồng bào Sán Dìu. Họ ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, quê hương xứ sở; đề cao lao động, phê phán cái xấu… và cả những lời răn dạy đạo đức cho con trẻ.

    Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bảo tồn và phát huy loại hình dân ca đặc sắc này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết. Nếu như trước đây, những câu hát Soọng cô được cất lên từ những không gian gắn liền với cảnh sinh hoạt đời thường, không khí lao động vui tươi, phấn khởi của nhân dân thì ngày nay Soọng cô ít được sống ở những môi trường diễn xướng tự nhiên như vậy. Soọng cô được thể hiện nhiều trên sân khấu, trong các buổi giao lưu văn nghệ nhưng với môi trường như vậy thì chưa thể hiện được hết sự sinh động mang đậm hồn cốt của nghệ thuật Soọng cô. Thêm vào đó, số người biết hát Soọng cô ở tỉnh ta không nhiều, phần lớn lại tập trung ở những người lớn tuổi. Những câu hát Soọng cô có giá trị thường được ghi chép lại bằng chữ Hán. Những người biết hát Soọng cô hiện nay lại ít người biết dịch lời bài hát từ tiếng Hán sang tiếng Sán Dìu hoặc tiếng Việt cho lớp trẻ.

    Trong các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho các phòng chuyên môn tổ chức thành lập các câu lạc bộ hát Soọng cô ở các địa phương có đồng bào Sán Dìu sinh sống. Sở hỗ trợ, tập huấn, tạo điều kiện để các thành viên câu lạc bộ được tham gia sinh hoạt đều đặn, tiếp cận với các bài Soọng cô cổ và khuyến khích sáng tác, đặt lời mới cho phù hợp với đời sống hiện tại. Bên cạnh đó, Sở còn thực hiện tổng điều tra văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số để có căn cứ khoa học nhằm đánh giá, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, góp phần nghiên cứu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang. Cùng với đó, thực hiện bảo tồn làng văn hóa gắn với phát triển du lịch, bằng cách: Hỗ trợ tu sửa kiến trúc nhà truyền thống, khôi phục các đồ dùng sinh hoạt và công cụ sản xuất; phục hồi và duy trì nghề thủ công truyền thống... Từ đó tạo môi trường để các làn điệu dân ca, trong đó có Soọng cô được gìn giữ và phát huy giá trị.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan