Tôi đã đi nhiều nơi trên đất Việt Nam, thi thoảng mới gặp một vài cây ở những nơi khác. Một loại cây vừa đẹp, vừa quyến rũ đến mê hoặc lòng người. Di lăng Tuyên Quang sắp bước sang tuổi một trăm. Cây được du nhập vào Tuyên Quang khoảng năm 1916, có nguồn gốc từ nước Pháp, cùng với xà cừ, long não... Năm đó, thực dân Pháp cho mở Trại canh nông thuộc xã Nông Tiến là nơi thực hành của trường canh nông Hà Nội.

Cây di lăng cổ thụ gần 100 năm tuổi
Di lăng thuộc loại cổ thụ, thân to chắc, rễ xù xì bao chùm cả một vùng rộng. Tán lá dày, xòa rộng, nhiều tầng lớp. Di lăng ít rụng lá, hầu như xanh quanh năm. Lá như lá ngọc lan, mềm mại, theo cành buông xuống như muốn khoe với đất mẹ. Hoa thường nở từ cuối xuân sang mùa hè, rộ nhất vào cuối thu. Ban đầu là những chùm hoa xanh, nhỏ bé chen vào lá, gần giống với hoa dẻ, hoa móng rồng, bốn năm cánh buông xuống. Mỗi bông hoa là một bàn tay nhỏ xinh. Qua những ngày nắng, gió sắc hoa chín dần, vàng ươm, rắc mùi thơm ngọt ngào khắp các lối phố. Cả một trời đầy hoa cứ thung thăng trong nắng gió thả hương. Vòm trời lợp lá xanh được ướp ngạt ngào hương hoa. Lớp hoa trước gọi lớp hoa sau. Sự tiếp nối ấy, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Trẻ con đùa chơi dưới bóng, ngóng chờ hoa rụng. Hoa rơi để lại không trung một vệt không gian thơm lừng. Kế theo hoa là những chùm quả xanh đen, trông như quả trám nhỏ. Khi già quả rơi rụng, bong ra nhiều hạt và tự nảy mầm. Nhưng cây di lăng hiện ở Tuyên Quang không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Những bông hoa bé nhỏ, xinh xắn, thơm ngọt ngào, quyến rũ
Di lăng có mùi thơm ngọt ngào, gần giống như hoa dẻ, hay mùi thơm của chuối tiêu chín. Hương thơm đọng lại rất lâu. Thậm chí đến khi hoa chỉ còn là những cánh vụn màu nâu, khô héo, vị thơm vẫn ngọt ngào lôi cuốn. Những năm còn học cấp ba, học trò chúng tôi thường nhặt hoa, ép vào sách vở. Ngày ấy cái thị xã nhỏ bé ven sông Lô có rất nhiều cây di lăng, mọc dọc theo phố, ven bờ sông. Nhất là khu phố Xuân Hòa. Những năm bom Mỹ thả bom xăng, cháy dọc khu Tổng kho có cây đã bị cháy đổ. Nơi ấy vẫn còn lại những cây di lăng vượt qua bom đạn giặc để xanh tốt đến hôm nay. Ngay đầu phố, nhìn xuống bến phà Nông Tiến cũ, một cây di lăng cổ thụ tới hai người ôm. Thân cây rêu mốc, dây leo bám bọc kín cành. Những loài cộng sinh, ký sinh ôm ấp, che chở lấy thân cành.
“...Ngày 30/9/1966 nhiều tốp máy bay Mỹ, khoảng bốn mươi chiếc, oanh tác hơn một tiếng đồng hồ, ném bom đánh phá 14 mục tiêu trên địa bàn tỉnh... (*)”. Thời ấy nền công nghiệp của Tuyên Quang oách nhất là Nhà máy điện Loco, Nhà máy gạch chịu lửa và nhiều mục tiêu khác như: Bệnh viện A, Trạm bơm, Xưởng thủy tinh, Tổng kho, Trại chăn nuôi... bị máy bay Mỹ ném bom, đánh phá. Chiều ngày 16/4/1967 xã Kim Phú quê tôi bị máy bay Mỹ ném bom giết hại 14 người và 15 người khác bị thương. Những nam, nữ thanh niên tình nguyện viết đơn ra chiến trường. Nhiều học sinh đang học cấp ba, xung phong ra nhập ngũ. Trên 11.000 người nhân dân và cán bộ các cơ quan trên địa bàn thị xã Tuyên Quang đi sơ tán. Trường cấp ba cũng phải vào rừng tận km 8 Tuyên Quang - Hà Giang và rừng Sở, xã Nông Tiến. Khi ấy, chắc di lăng buồn lắm. Sau hơn một năm chúng tôi được trở về với thị xã. Cả bọn theo nhau lấy hoa về ép vào sách, vở. Nhớ cây di lăng cạnh Tiệm ăn số 1. Nhớ cửa hàng kem chen chúc người mua. Đôi khi xin mẹ mấy hào, trốn tiết học, ra tiệm ăn kem. Ba bốn đứa, cả trai lẫn gái, mút kem bên hương hoa di lăng và gió sông Lô thổi thốc lên. Sướng như mơ. Sự khát thèm đáng yêu tuổi học trò. Nhớ cửa hàng “nhà thấp giá cao” bán hàng ăn, gần kề Tiệm ăn số 1. Cái cảm giác ngồi vào “nhà thấp giá cao” ấy, thời no đủ này, được coi là vặt vãnh. Những cửa hàng HTX cắt tóc, chụp ảnh gần bến phà Nông Tiến luôn ngập tràn hương di lăng...

Như những nhánh tay buông trùng trước nắng gió
Cây hoa di lăng đã đi vào ký ức bao nhiêu thế hệ trẻ. Hoa đã nằm trong bao trang sách học trò. Cây như nhân chứng cho sự phát triển của thị xã nhỏ ven sông. Cây đi vào thơ ca nhạc họa của người thành Tuyên. Thầy giáo, nhà thơ Trần Khoái đã viết: “Hoa di lăng mang nắng chiều vàng/ Càng tỏa ngát đêm rắm tháng Tám/ Bao ký ức tuổi thơ chợt nhớ/ Từng mái trường, từng góc phố, vườn hoa...” Bài thơ đã được nhạc sỹ Trần Công Khanh phổ nhạc...
Từ những năm học cấp ba Tân Trào, tôi đã viết: “...Hoa di lăng chi chít từng chùm/ Dấu mãi trên cao rồi chín vàng trong lá / Con trai lấy về chia đều tất cả/ Sách vở chúng mình thơm khắp từng trang...”.
Tôi yêu di lăng như yêu cái thị xã tầm tạ bên dòng sông qua bao nhiêu biến thiên vẫn đẹp đẽ, kiêu sa. Mỗi khi có khách xa tôi thường dẫn tới bên cây nghe cây và nhờ cây thầm thì bao chuyện. Chuyện bao đời cây biết cả. Cả những mùa lũ lụt, nước sông Lô dâng ngập hàng mét nước. Tôi có một ước muốn, thành phố Tuyên Quang nên có kế hoạch chọn hạt ươm nhiều cây di lăng trồng trên các phố. Thứ cây riêng có, như một đặc ân này chắc sẽ để lại nhiều ấn tượng với du khách.
Di lăng Tuyên Quang mùa này hoa đã chín vàng.
Lê Na