Về Bình Yên nghe hát Sấng Cọ

Xã Bình Yên (Sơn Dương) nơi có đông đồng bào dân tộc Sán Chay sinh sống hiện vẫn còn lưu giữ những điệu hát Sấng Cọ của dân tộc mình. Những ca từ mang nội dung cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa và sự đổi thay của quê hương, đất nước… đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng, gìn giữ nét đẹp của dân tộc.

     Xã Bình Yên có 756 hộ dân sinh sống ở 7 thôn, trong đó dân tộc Sán Chay chiếm gần 70% dân số. Chính vì vậy, muốn tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của người Sán Chay thì về Bình Yên là rõ nhất. Nổi bật ở đây bà con dân tộc Sán Chay còn lưu giữ được những điệu hát Sấng Cọ mượt mà như một món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong cộng đồng.


Thành viên Đội văn nghệ thôn Đồng Min, xã Bình Yên (Sơn Dương) tập hát Sấng Cọ

     Bà Nịnh Thị Đào, dân tộc Sán Chay ở thôn Đồng Min, xã Bình Yên năm nay 63 tuổi nhưng bà đã có gần 50 năm gắn bó với điệu hát Sấng Cọ của dân tộc mình. Theo bà Đào, hát Sấng Cọ là hình thức hát đối thường diễn ra trong các dịp đám cưới, ngày lễ, tết nhằm ca ngợi quá trình lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa và sự đổi mới của quê hương, đất nước. Trong lần trò chuyện với chúng tôi, bà Đào vui vẻ cất vang điệu Sấng Cọ: “Sồ lài hèng cù thìn sềnh lù tắc kín thìn sằm súi mìn gò/Tào sừ kèng tìn nhàu sằn hú lày pà quà tầy sì nhàu thò” nghĩa là “Hôm nay anh đến chơi nhà, thấy đồng có đàn cò bay/Bốn phương đều thấy con trâu đi cày”. Giọng hát trong trẻo của bà Đào cất lên từ ngôi nhà sàn lọt qua khung cửa sổ vang mãi ra tận ngoài đầu đường lớn, có người nghe thấy vỗ tay tán thưởng. Song chỉ lúc sau đã thấy ở đầu cầu thang nhà bà có người hát với lên: “Tày hải trông càn phông cốc lép, cốc săm hầu táy lép heng giàn/Lép heng mìn sìn sàm ngò nhật, cốc săm hầu táy lùi sùng làu'' nghĩa là Thóc chắc và thóc lép giữa biển rộng mênh mông, thóc chắc thì chìm xuống còn thóc lép nổi thì trôi theo dòng nước đi xa. Thóc lép có hỏi rằng, thóc chắc ở lại có buồn không? thóc chắc trả lời rằng, dù thế nào đi chăng nữa thóc chắc vẫn mãi chờ đợi thóc lép. Bà Đào bảo đó chính là giọng hát của ông Trần Văn Đinh, dân tộc Sán Chay, Đội trưởng Đội văn nghệ thôn Đồng Min, xã Bình Yên. Đi cùng còn có vợ ông là bà Nguyễn Thị Nguyệt cũng có chung niềm đam mê hát Sấng Cọ từ đó nên duyên vợ chồng.

     Sấng Cọ là làn điệu dân ca với lối nhân cách hóa đã được người dân tộc Sán Chay sử dụng thành thạo từ rất lâu, tạo hình ảnh ấn tượng, sinh động lôi cuốn người nghe. Những ca từ như là những câu chuyện kể về cảnh sinh hoạt đời thường, tình yêu đôi lứa chứa chan tình đời, tình người. Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển, các thành viên của Đội văn nghệ thôn Đồng Min còn sáng tác thêm nhiều bài hát mới cho phù hợp.
     Để duy trì nét văn hóa đặc sắc này, ông Trần Văn Đinh cùng đội văn nghệ thôn Đồng Min tích cực đứng ra tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ giữa các thôn trong xã Bình Yên về hát Sấng Cọ; tổ chức giao lưu giữa đội văn nghệ các xã và giao lưu với đội văn nghệ các tỉnh bạn như Phú Thọ, Yên Bái… Từ đó khơi dậy tình yêu và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bên cạnh đó, ông Đinh còn tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu với bà con trong thôn và xã, nhất là thế hệ trẻ về điệu hát Sấng Cọ để phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Đồng chí Lưu Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết, xã rất khuyến khích việc bà con tổ chức giao lưu văn nghệ, nhất là phát triển hát Sấng Cọ. Từ đó tạo ra sân chơi lành mạnh bổ ích, xua tan đi mệt nhọc sau những giờ lao động căng thẳng, thúc đẩy lao động sản xuất phát triển. Đến nay, ở các thôn trong xã đều có đội văn nghệ, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

 

Theo TQĐT 


Bài viết liên quan