Bảo tàng cách mạng trên đất Tuyên

Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn làm Căn cứ cách mạng, lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng tám giành chính quyền về tay nhân dân lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Tuyên Quang một lần nữa được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn là trung tâm đầu não Kháng Chiến.

Bảo tồn, tôn tạo các di tích

      Tỉnh ta hiện có 546 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 435 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến. Các nhà nghiên cứu lịch sử nói rằng, Tuyên Quang như một “Bảo tàng cách mạng” của cả nước. Các di tích lịch sử ghi dấu ấn sâu đậm cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương trên mảnh đất Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng.


Hội trường nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Trong ảnh: Nhân dân tham quan nơi diễn ra Đại hội II của Đảng.
Ảnh: Nguyễn Chính


     Để ghi nhớ một thời hào hùng của dân tộc trên mảnh đất này, Trung ương Đảng, Chính phủ đã quan tâm, tạo điều kiện đầu tư kinh phí để tỉnh ta khôi phục, tôn tạo các di tích lịch sử. Các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến đã được dựng bia, nhà bia ghi lại dấu ấn thời kỳ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ở và làm việc lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng tám - 1945 và cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến (ATK) thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với công tác này. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng đã hoàn thành phục hồi, tu bổ, tôn tạo 110 di tích lịch sử cách mạng tại khu Tân Trào (Sơn Dương), khu Kim Quan (Yên Sơn), khu Kim Bình (Chiêm Hóa) theo đúng luật định, kế hoạch đã đề ra, tạo niềm phấn khởi trong nhân dân.

      Tỉnh ta đã làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tu bổ các di tích. Các bộ, ngành Trung ương đóng trụ sở tại Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tiến hành bảo tồn, tu bổ các di tích; hỗ trợ người dân ở khu vực có di tích xây dựng kết cấu hạ tầng, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với người dân quê hương cách mạng. Nhiều di tích được tu bổ, hoàn thành từ nguồn xã hội hóa như bia ghi sự kiện Nhà xuất bản Sự Thật, bia ghi sự kiện và tôn tạo di tích Bộ Ngoại giao, phục hồi, tôn tạo di tích Nha Công an, bia ghi sự kiện và tôn tạo di tích Nha Thông tin, bia ghi sự kiện và tôn tạo di tích Ngân hàng Quốc gia, bia ghi sự kiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bia ghi sự kiện và tôn tạo di tích Bộ Tư pháp, bia ghi sự kiện di tích Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận Liên Việt, bia ghi sự kiện di tích Bộ Tài chính...

''Địa chỉ đỏ'' về nguồn


Du khách tham quan Lán Nà Nưa, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Ảnh: Nguyễn Chính


     Về Tuyên Quang, mỗi người dân Việt Nam đều có chung một cảm nhận thiêng liêng: "Về với đất cội nguồn cách mạng". Các di tích lịch sử được khôi phục, bảo tồn, tôn tạo trên quê hương cách mạng có ý nghĩa lớn lao giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước trong nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ.

     Các trường học trong tỉnh hàng năm vào dịp hè, lễ tết đều tổ chức cho học sinh tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Kim Quan, Kim Bình. Các bộ, ban, ngành Trung ương và nhiều trường học trong cả nước đã tổ chức các cuộc hành hương về nguồn tại Tuyên Quang thắp lên ngọn lửa yêu nước, thôi thúc lòng người thi đua lao động giỏi xứng đáng với công lao trời biển của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã mang cuộc sống hòa bình đến với toàn dân. Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) xúc động nói: "Cô đã đi nhiều nơi nhưng chưa vùng đất nào có nhiều di tích lịch sử như Tuyên Quang. Nơi đây thực sự là “bảo tàng sống” giáo dục đạo đức cách mạng cho nhân dân, nhất là các thế hệ học sinh". Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện như tặng chăn màn, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh; tổ chức kết nghĩa với Trường THCS Phúc Sơn (Chiêm Hóa) để giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn có điều kiện thực hiện ước mơ con chữ. Còn anh Nguyễn Đình Chiến ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bày tỏ niềm tự hào khi được về thăm Tuyên Quang. Anh nói, hồi còn là sinh viên, anh ước ao về Tuyên thăm Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào... nhưng không thực hiện được. Giờ anh đã xin được việc làm ở một công ty, hàng năm anh được công ty tổ chức cho đi tham quan và địa chỉ đầu tiên anh đến là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Năm nay, anh Chiến cùng đồng nghiệp có một chuyến đi thật ý nghĩa, như được trở về với cội nguồn cách mạng, anh càng thêm yêu quê hương, đất nước hơn.

 


Học sinh Trường THCS Bình Yên (Sơn Dương) tham quan Khu di tích, Chính phủ ở thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương).

Ảnh: Huy Hoàng


      Tỉnh ta cũng đã hình thành tua, tuyến du lịch giữa các khu di tích lịch sử trong tỉnh nhằm thu hút du khách. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, trong đó Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào là một điểm nhấn quan trọng, hàng năm có khoảng 6 trăm nghìn lượt khách đến tham quan. Ông Nguyễn Tiến Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hương Việt Tuyên Quang khẳng định, Khu di tích lịch sử Tân Trào được Chính phủ công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt càng khẳng định vị thế của Tuyên Quang, tạo bước đột phá để Tuyên Quang quy hoạch phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, mở ra cơ hội lớn để người làm du lịch xây dựng các tua du lịch hấp dẫn du khách. Du lịch tỉnh ta với nhiều sản phẩm ngày càng đa dạng hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến với Tuyên Quang ngày càng nhiều, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

     Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử đã đáp ứng nguyện vọng và tạo niềm phấn khởi trong nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 Theo TQOL


Bài viết liên quan