KIM BÌNH - NƠI DIỄN RA ĐẠI HỘI II CỦA ĐẢNG

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-195, với khẩu hiệu " Đoàn kết, nhất trí, giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân và hòa bình cho thế giới". Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc ta, là bước ngoặt để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

        Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám, Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng; trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với địa thế hiểm yếu, lòng dân kiên trung, bảo đảm an toàn, bí mật, điều kiện hậu cần thuận lợi, Tuyên Quang trở thành Thủ đô kháng chiến, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các bộ, ban, ngành, các cơ sở kháng chiến. Vì vậy, Tuyên Quang được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ II của Đảng (đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức trong nước và được tổ chức ở một địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội).

         Là địa phương nằm trong Thủ đô cách mạng, Thủ đô kháng chiến, thôn Phú An, xã Vinh Quang (nay là thôn Bó Củng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa) đã được Đảng, Bác Hồ chọn là địa điểm để tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc ta, là bước ngoặt để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Hai mươi mốt năm sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930), khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta bước sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, tình hình cách mạng đòi hỏi Đảng phải có những quyết sách phù hợp về đường lối và tổ chức. Đáp ứng yêu cầu đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951.

          Để chuẩn bị cho Đại hội II của Đảng và các đại hội, hội nghị quan trọng khác tại Kim Bình, từ những năm (1947-1950), Bác Hồ,Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận đã đến ở và làm việc tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa. Tại xã Kiên Đài, Bác Hồ đã hoàn thiện Báo cáo Chính trị  của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II; đồng chí Trường Chinh hoàn thiện văn bản Luận cương cách mạng Việt Nam; đồng chí Phạm Văn Đồng hoàn thiện báo cáo Mấy vấn đề cốt yếu của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam; đồng chí Lê Văn Lương hoàn thiện báo cáo về Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (dự thảo); ngoài công tác hoàn thiện các văn kiện, báo cáo là việc chỉ đạo công tác chuẩn bị về nội dung và cơ sở vật chất để tổ chức thành công Đại hội. Công việc xây dựng được tiến hành tại xã Kim Bình từ tháng 7/1950 và rất khẩn trương nhưng luôn đảm bảo bí mật. Nhân dân địa phương thực hiện "3 không" (không biết, không nói, không nghe).Quá trình xây dựng địa điểm Đại hội, Bác Hồ trực tiếp đến kiểm tra, động viên lực lượng thi công. Chỉ trong vòng bốn tháng, công việc xây dựng đã hoàn thành, có gần 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa lá được xây dựng trên khu đồi Nà Loáng của thôn An Phú với kiến trúc giản tiện, trang nhã vừa hợp với khí hậu miền núi, vừa có dáng dấp miền xuôi bao gồm: Hội trường, nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tượng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà ở và làm việc của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, nhà làm việc của đại biểu trong và ngoài nước, nhà ăn, trạm xá, trạm gác, cổng trào, sân thể thao...Tất cả tạo thành khu rộng lớn, khép kín, xung quanh là hệ thống hầm hào trú ẩn, dưới chân đồi về phía tây có dòng suối Cổ Linh chảy qua rất thuận lợi cho việc cung cấp nước sinh hoạt.

          Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ toàn Đông Dương, với khẩu hiệu " Đoàn kết, nhất trí, giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân và hòa bình cho thế giới".

           Đại hội đã nghiên cứu và thảo luận kỹ các báo cáo trình trước Đại hội: Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luận cương cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng của đồng chí Lê Văn Lương, cùng nhiều báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ, nhân dân, Quân đội nhân dân, kinh tế - tài chính và về văn hóa, văn nghệ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị  tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951

        Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong 21 năm qua, tinh thần yêu nước nồng nàn của toàn dân tộc, kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng và những bài học kinh nghiệm qua các thời kỳ vận động cách mạng của Đảng. Mặt khác, Báo cáo cũng chỉ rõ những khuyết điểm cần sửa chữa như giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin còn yếu, tư tưởng cán bộ chưa vững vàng, công tác tổ chức, lề lối làm việc còn nặng tính chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi, công thần ...Để khắc phục các bệnh trên, Đảng phải tìm cách giáo dục, phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin để nâng cao chất lượng tư tưởng chính trị cho đảng viên, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, để nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng. Đây được coi là nhiệm vụ thường xuyên và thiết thực của các cấp bộ đảng ở các cơ quan đoàn thể, trên báo chí. Căn cứ vào sự phân tích cụ thể tình hình thế giới và trong nước, Báo cáo nêu lên khẩu hiệu chính là: "Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới" và nêu lên hai nhiệm vụ mới là:

          "1. Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

            2. Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam".

          Sau khi thảo luận Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội đã thông qua Nghị quyết khẳng định: Đường lối đoàn kết toàn dân, kháng chiến trường kỳ giành độc lập, dân chủ là hoàn toàn đúng. Đảng cần kiện toàn thêm sự lãnh đạo kháng chiến, tập trung lực lượng lớn hơn nữa để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Phải xây dựng Đảng Lao động Việt Nam có Chính cương và Điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam và sẽ xây dựng tổ chức thích hợp với hoàn cảnh Cao Miên và Ai Lao.

          Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh biên soạn, trình bày nhiệm vụ cơ bản của cách mạng nước ta là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho dân tộc, xóa bỏ tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

           Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Điều lệ mới của Đảng gồm có phần mục đích, tôn chỉ và 13 chương, 71 điều. Điều lệ xác định rõ mục đích của Đảng là phấn đấu để "phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam". Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động Việt Nam, Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và xây dựng Đảng theo nguyên tắc một đảng vô sản kiểu mới, lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt căn bản của Đảng; phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng; phục vụ nhân dân là mục tiêu hoạt động của Đảng.

          Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành đã cử ra Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.

          Cũng tại Kim Bình đã diễn ra các sự kiện quan trọng để triển khai Nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Đảng, đó là: Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt (từ ngày 3 đến 7/3/1951); Đại hội liên minh ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (ngày 11/3/1951); Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (ngày 1/5/1952).

          Trong lịch sử đấu tranh anh dũng và vẻ vang của Đảng ta, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta về mọi mặt. Đại hội đã tổng kết một bước quan trọng lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, là sự tiếp tục bổ sung và phát triển Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn, đặt cơ sở cho việc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc và kiên thiết nước nhà.

           Tháng 2/1991, di tích lịch sử Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Năm 2011, nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của Đại hội II cũng như vai trò của Tuyên Quang với vị trí là Thủ đô kháng chiến của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang và Ban Tuyên Giáo Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến. Nhằm góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa lịch sử của Đại hội II của Đảng và khẳng định Tuyên Quang là trung tâm An toàn khu Việt Bắc - Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến.

          Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành tôn tạo Đài tưởng niệm liệt sĩ, Hội trường Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổng chào xã Kim Bình để đón khách đến tham quan.

Hải Nguyễn

 

  


Bài viết liên quan