BÁC HỒ VỚI DÒNG SÔNG PHÓ ĐÁY

Có một dòng sông chảy giữa lòng Việt Bắc. Những tháng năm trước cách mạng và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã nhiều lần qua lại đôi bờ sông. Và có thể nói, Bác đã đi dọc chiều dài con sông này. Con sông đó mang tên hết sức bình dị: Phó Đáy

     Sông Phó Đáy bắt nguồn từ vùng núi Tam Tạo thuộc huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. Sông Phó Đáy là phụ lưu lớn thứ hai của sông Lô sau sông Gâm. Chiều dài sông khoảng 170km, chảy qua địa phận các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc rồi đổ vào sông Lô ở TP Việt Trì (Phú Thọ) với lưu vực khoảng 1.610km2. Vào Tuyên Quang ở xã Trung Minh, sang Hùng Lợi rồi mải miết chảy qua nhiều xã thuộc Yên Sơn và Sơn Dương tổng cộng dài hơn 84km, mà mỗi tên đất, tên làng bên sông còn lưu giữ biết bao dấu tích của Thủ đô Cách mạng và kháng chiến: Trung Minh, Hùng Lợi, Trung Sơn, Kim Quan, Trung Yên, Minh Thanh, Tân Trào, Bình Yên... Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
                                                            “ Nhớ từng rừng nứa bờ tre
                                                       Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”
     Hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã đủ nói lên rằng tất cả các lưu vực của dòng sông Phó Đáy đều có in dấu chân của Bác Hồ kính yêu.
Theo lời kể của nhiều nhân chứng lịch sử, từ Pắc Bó (Cao Bằng), Bác cứ men theo dòng sông Phó Đáy mà về Tuyên Quang. Đầu mùa hạ, những cơn mưa rừng bất chợt thường ào ạt gây lũ cho dòng sông. Đồng bào các địa phương đã chuẩn bị sẵn những chiếc mảng ngóc, chọn những tay chèo giỏi đón Bác và đoàn cán bộ. Ngày 21-5-1945, Bác Hồ đã dùng mảng nứa vượt sông Phó Đáy vào làng Kim Long.
      Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ có gần 6 năm ở Tuyên Quang, di chuyển qua rất nhiều địa điểm, chủ yếu là vùng thượng lưu sông Phó Đáy. Hầu hết lán hay nhà Bác ở đều dựng bên bờ sông hoặc bờ suối gần sông.

     Cuộc đời của Bác không chỉ gắn liền với cách mạng mà còn gắn liền với những tác phẩm văn chương. Bác đã viết rất nhiều tác phẩm đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Khi ở chiến khu Việt Bắc, Bác cùng các đồng chí cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến cực kỳ thiếu thốn Bác vẫn ghi lại biết bao tâm tư tình cảm ý chí niềm tin của mình: Rằm tháng riêng, Đi thuyền trên sông Đáy, Cảnh khuya…Những áng thơ văn của Người dù viết bằng văn vần, văn xuôi, chữ Nôm hay chữ Hán thì nội dung của nó vẫn giản dị đi sâu vào lòng người.
      Dù hoạt động cách mạng khó khăn gian khổ nhưng trong Bác vẫn luôn tràn ngập sự lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống. Mỗi địa danh, mỗi bước chân Người qua, mỗi cành cây, ngọn cỏ đều là nguồn cảm hứng bất tận cho hồn thơ dung dị, chân thành của Người.
Chiến khu Việt Bắc không chỉ là căn cứ địa cách mạng, nơi Bác và các đồng chí bàn chuyện quân cơ mà đó còn là nguồn cảm hứng thơ văn bất tận của Người. Dòng sông Phó Đáy hiền hòa, êm đềm hiện lên trong thơ Người như một minh chứng cho tình yêu bao la, sự gắn bó máu thịt, ân tình của Người với thiên nhiên, cảnh vật và con người nơi đây.
      Nhắc đến thiên nhiên trong thơ Bác, không chỉ người đọc mà đến các nhà nghiên cứu văn học, các nhà thơ cũng phải trầm trồ thán phục. Chỉ có những người có tài và có tình với thiên nhiên sâu sắc mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp tiềm ẩn của thiên nhiên. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác đã nhiều lần đi trên sông Phó Đáy, dòng sông nhỏ, xanh mướt, trong veo dưới ánh trăng đêm rằm Nguyên tiêu:


Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
(Bài “Rằm tháng Giêng” – 1948)


Hình ảnh "lồng lộng trăng soi" vừa cao vời, vừa lộng lẫy. “Nguyên tiêu” là lúc ánh trăng đang ở thời kì viên mãn, tràn đầy nhất. Một không gian bát ngát đến vô cùng, vô tận, khung cảnh sông nước, mây trời được bao phủ một sắc xuân ngập tràn. Đêm Chiến khu năm 1948 ấy, xuân dường như chảy dài theo dòng sông Phó Đáy, lan rộng cùng mặt nước và vút lên trời cao “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”. Sắc xuân thẫm đẫm cả dòng sông - một dòng sông xuân. Giữa khung cảnh nên thơ, lãng mạn ấy, trên dòng sông xuân ấy là nơi “bàn bạc việc quân”. Chỉ điều đó thôi, ta đã thấy tâm hồn của Người thanh cao, dung dị biết chừng nào.
Bài thơ “Rằm tháng Giêng” được Bác viết trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp vô cùng khó khăn gian khổ. Thế nhưng, ở trong thơ, ta vẫn gặp một chủ thể trữ tình rất yêu thiên nhiên, vẫn ung dung làm việc, vẫn chan hòa cùng ánh trăng thơ mộng của núi rừng. Người lo lắng cho đất nước nhưng trong tâm hồn, Bác vẫn dành cho thiên nhiên những niềm ưu ái, không vì việc quân bận rộn mà Người đành hờ hững, từ chối vẻ đẹp thiên nhiên. Điều này nói lên phẩm chất lạc quan và phong thái ung dung của Bác.
Bài thơ vừa thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên, đất nước con người của nhà thơ, vừa thể hiện tư thế lạc quan yêu đời trong điều kiện khắc nghiệt của cuộc chiến tranh và nó trở thành một món ăn tinh thần tạo nên sức mạnh vô biên cho toàn thể nhân dân đứng lên đấu tranh chiến thắng kẻ thù một cách hào hùng.
Cũng trên dòng sông Phó Đáy hiền hòa, tháng 8 năm 1949 Bác Hồ đi mảng nứa từ Khấu Lấu – Vực Hồ xuôi dòng sông Phó Đáy về huyện lỵ Sơn Dương nói chuyện với lớp tập huấn cán bộ. Chuyến đi này Người đã viết bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” mang đậm phong vị Đường thi, thất ngôn bát cú:


“Dòng sông lặng ngắt như tờ,
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.
Bốn bề phong cảnh vắng teo,
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan
Lòng riêng riêng những bàn hoàn,
Lo sao khôi phục giang sơn Tiên Rồng.
Thuyền về, trời đã rạng đông
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.”



Sông Phó Đáy đoạn chảy qua xã Tân Trào

      Trong tác phẩm “Bác Hồ ở Việt Bắc”, nhà văn Triệu Hồng Thắng bồi hồi nhớ lại đêm trăng đi thuyền cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Đêm ấy, mặt nước sông Phó Đáy đã biết chiều lòng khách quý, nên rất phẳng lặng và dịu hiền. Nếu nhìn riêng dòng sông đêm nay thật là một đêm hoà bình đẹp đẽ. Nhưng hồi ấy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào thời kỳ quyết liệt. Khắp nơi đang chuẩn bị tổng phản công để quét sạch quân thù ra khỏi đất nước. Những tin thắng trận ở Sông Lô, Đèo Giàng...tin phá tề, diệt địch ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Trị Thiên .v.v... đang bay về trên sông Đáy này. Và có lẽ những tin thắng trận đó đã đến làm cho lãnh tụ chúng ta vui mừng nên mới có đêm chơi trăng đẹp đẽ này”
     Thuyền của Bác đang đi trên dòng sông Phó Đáy. Dòng sông nhỏ hẹp, về mùa thu nước đầy, hai bên bờ là rừng cây, mặt nước êm đềm, phẳng lặng. Câu mở đề, Bác dùng hình ảnh so sánh “Dòng sông lặng ngắt như tờ” để miêu tả mặt nước phẳng như mặt tờ giấy, trong xanh, in bóng sao, bóng trăng giữa trời và khung cảnh ban đêm tuyệt đối yên lặng, tĩnh mịch. Câu thừa đề với hình ảnh sao, thuyền, trăng được nhân hoá như có ý thức gắn bó cùng nhau “Sao đưa, thuyền chạy, thuyền chờ, trăng theo”. Hai câu đề đã thể hiện cái thần thái và âm hưởng của bài thơ qua nhịp điệu và sự ngân vang của từng tiếng thơ. Bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” Bác cũng dùng hình ảnh so sánh nhằm miêu tả mặt nước, khung cảnh thiên nhiên của dòng sông:
                                                                      Bốn bề phong cảnh vắng teo,
                                                     Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.
        Giữa vùng rừng núi ATK về đêm thật vắng. Đúng là “Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan” (loại thuyền đan bằng nan tre ngâm và sơn bằng sơn ta), từ tay người bơi nhịp nhàng để con thuyền đi, âm thanh “cót két” phát ra từ sự va chạm của giầm và con thuyền vang vọng trên dòng sông, về đêm thì nghe rõ. Tiếng “cót két” góp phần thể hiện “cảnh vắng teo” và “lặng ngắt như tờ” của câu thơ. Chỉ có nhà thơ tài hoa làm chủ ngòi bút mới làm được những câu thơ tả thực bình dị và hay như thế:
                                                              Lòng riêng riêng những bàn hoàn,
                                                   Lo sao khôi phục giang sơn Tiên Rồng.
     Hai câu thơ thể hiện tấm lòng riêng của Bác, là trạng thái tâm hồn Người suy nghĩ không lúc nào dứt với cảm xúc trào dâng, vì nỗi lo khôi phục giang sơn Tiên Rồng.
                                                             “Thuyền về trời đã rạng đông,
                                                Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”.
         Hình ảnh con thuyền trở về bến là lúc trời rạng đông, hình ảnh bầu trời bao la, đất nước bao la với vầng mặt trời lên nhuốm hồng đã tạo ra không khí lạc quan cho cả bài thơ.
         Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, thể hiện chân thật và sâu sắc tư tưởng, tình cảm và tâm hồn cao cả của Người. Tìm hiểu thơ văn Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy những bài học vô cùng cao quý.
          Dòng sông giữa lòng Việt Bắc đã chứng kiến những tháng năm kháng chiến gian khổ của cả dân tộc ta, góp phần làm ra ánh sáng độc lập, hòa bình, nay đang làm ra ấm no, hạnh phúc.


 Ban Quản lý khu di tích Tân Trào 


Bài viết liên quan