Công trình Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 500 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, trong đó có 32 di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là các di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được Trung ương Đảng, Chính phủ đánh giá là hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

     Vào tháng 5/2015 tỉnh đã khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang. Kinh phí xây dựng Tượng đài và Quảng trường từ các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài tỉnh. Đây là công trình kiến trúc mang ý nghĩa thể hiện tình cảm và lòng thành kính của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang

                                                                                        Ảnh: Ngọc Chiến

      Sau khi được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" do Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Minh Khai, Hà Nội khởi công xây dựng từ ngày 15/2/2012. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang xác định đây là công trình có ý nghĩa chính trị quan trọng, đồng thời là công trình văn hóa thể hiện tình cảm bao la với Bác Hồ của nhân dân, cũng là điểm nhấn mỹ quan của TP Tuyên Quang. Vì vậy, ngay từ đầu, tỉnh đã tập trung chỉ đạo sát sao, lựa chọn Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Tượng đài được thực hiện tại làng nghề tạc đá xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) vốn nổi tiếng cả nước với nghề điêu khắc trên đá, do Công ty TNHH Tiến Đạt điêu khắc, Cty TNHH Đầu tư và xây dựng Thành Hưng xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và khán đài Quảng trường. Sau 3 năm thi công công trình đã hoàn thiện, đảm bảo an toàn, tiến độ và mỹ quan, đáp ứng sự mong mỏi, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Công trình được xây dựng với 160 tấn sắt thép các loại và trên 3.000m3 đá, tượng nằm sát chân núi Thổ Sơn, nơi đây 55 năm trước (1961), Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công trình có diện tích rộng trên 8,5 ha với sức chứa 20.000 người, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị -xã hội của toàn tỉnh. Trung tâm là tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, gồm 2 phần: Phía trước là nhóm tượng 7 nhân vật, trong đó tượng Bác Hồ ở vị trí trung tâm, cao 7,9m; xung quanh là sáu nhân vật đại diện cho nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang quây quần bên Bác gồm Lực lượng vũ trang, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, công nhân và trí thức, mô phỏng chuyến thăm và nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vào tháng 3 năm 1961; Mảng phù điêu chính bố trí sau nhóm tượng đài là hình ảnh cây đa Tân Trào và khắc họa hình ảnh những sự kiện cách mạng nổi bật gắn với hoạt động của Bác tại Tuyên Quang như: Nhà hội trường Kim Bình - Là nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Đình Tân Trào - Nơi diễn ra Quốc dân đại hội trong hai ngày 16,17/8/1945, lán Nà Nưa - Nơi ở và làm việc của Bác Hồ những ngày chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945, Hang Bòng - Nơi Bác Hồ ở và làm việc tại lán Hang Bòng từ tháng 5/1951 đến cuối năm 1952….. .


Công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

      Nằm bên cạnh tượng đài là công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền được thiết kế hình chữ Đinh với 3 gian, 2 chái và 2 gian hậu cung, diện tích 155m2, đặt trang nghiêm tại trung tâm quảng trường. Công trình do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Thịnh Hưng Tuyên Quang và Công ty TNHH mộc Làng Vân tỉnh Vĩnh Phúc đảm nhiệm thi công. Vật liệu chính là gỗ lim, gỗ mít và gỗ thị, toàn bộ khung gỗ gia công bằng gỗ lim, cấu kiện được đục chạm hoa văn trang trí bề mặt; nội thất phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc Việt. Các họa tiết, hoa văn trang trí mang đậm nét đặc trưng văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng Bác và các ban thờ trong Đền đều được bố trí theo phong tục truyền thống của người Việt. Đền có chuông thỉnh, trống, bàn ghi lưu bút cho các đoàn du khách. Sau hơn 1 năm khẩn trương thi công, ngày 16/8/2014 công trình đã làm Lễ An vị tượng Bác. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc bằng chất liệu đồng, cao 1,72 m, nặng 1,4 tấn do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng tác và thể hiện. Gian chính có bức đại tự “Chính Đại Quang Minh” và hai câu đối do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết: “Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người”. Hai câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu rất hoàn mỹ: Khí thiêng trùm Việt Bắc đối với ánh sáng rực Tuyên Quang, hồng nhật soi dài muôn dặm đất được đối với đẩu tinh định hướng triệu con người. Mặt trời soi đường và sao đẩu tinh chính là Bác Hồ, là cách mạng Việt Nam soi đường, định hướng giá trị sống tiến bộ, văn minh cho hàng triệu con người. Cách mạng Việt Nam cũng ở Tuyên Quang mà ra và từ Việt Bắc mà nên… Gian trong của đền thờ bài vị thân phụ và thân mẫu của Bác. Mỗi chi tiết trong công trình đều là kết quả của lòng thành kính đối với Bác kính yêu. Tại công trình này mỗi đường nét trạm trổ, đục đẽo đều được thi công cẩn trọng, đáp ứng yêu cầu cao về mỹ thuật cũng như chất lượng bảo đảm trường tồn cùng thời gian.
      Công trình Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra một môi trường không gian văn hóa, một khu vực vui chơi, nghỉ ngơi, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và xã hội đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, khách tham quan du lịch khi đến với thành phố Tuyên Quang. Công trình đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ về tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc và uống nước nhớ nguồn của dân tộc Tuyên Quang nói riêng và dân tộc cả nước nói chung.

Kim Linh

 


Bài viết liên quan