Đình Tân Trào nơi họp Quốc dân Đại hội năm 1945

Quốc dân Đại hội Tân Trào, ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 là mốc son chói lọi mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc

        

Đình Tân Trào nơi họp Quốc dân Đại hội

             Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được dựng cách làng Kim Long 400m về phía tây, đình nhìn về hướng nam, trước mặt là núi Ao Rừm, dưới chân núi là dòng suối Khuôn Pén( Ngòi Thia). Đình được dựng với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Đình được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng, đình thờ Thành Hoàng làng và 7 vị Sơn thần đại diện cho các vị thần, thần núi xung quanh làng  Kim Long.

        Theo các tài liệu được phát hành những năm gần đây đều lấy theo những dòng chữ trên câu đầu làm năm dựng đình 1923: "Hoàng triều Khải Định bát niên, thập nhất nguyệt nhị, thấp nhất ất hợi, nhật tỵ kiến thụ, thượng lương đại cát thịnh vượng, tuế thứ quý hợi niên, trọng đông nguyệt cốc nhật, lương khởi càn, nguyệt hưởng lợi tinh".

          Tạm dịch: "Năm thứ tám của triều Khải Định, mùa đông ngày 21/11/1923 thì dựng lại đình. Đó là ngày tốt,  đình có hướng tốt vì thế dân chúng được lộc tốt và thịnh vượng".

        Về giá trị lịch sử cách mạng: là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chọn làm nơi họp Quốc dân đại hội ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945. 

         Sáng kiến triệu tập Quốc dân Đại hội của đồng chí Hồ Chí Minh đã hình thành từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941), hội nghị phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp "lập lên một chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân đại hội cử lên".

        Tháng 10/1944 trong thư gửi Quốc dân đồng bào, cùng dự đoán thiên tài về "cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa".

        Người nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải triệu tập Đại hội Đại biểu Quốc dân để thành lập "Một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể Quốc dân ta; cơ cấu tổ chức đó " phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các Đảng phái cách mệnh và đoàn thể ái quốc bầu cử ra ", "một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các nước hữu bang".

          Đến dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị,  một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa.

        Chiều ngày 16/8/1945, trước khi Quốc dân Đại hội được khai mạc là lễ xuất quân của quân giải phóng Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Các vị Đại biểu về dự Quốc dân và nhân dân địa phương đã ra cây đa đầu làng Tân Lập để tiễn đưa đoàn quân. Đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Đại biểu quốc dân nói lời cổ vũ động viên bộ đội quyết chiến, quyết thắng.

        Sau lễ xuất quân Nam tiến, Quốc dân Đại hội được khai mạc ở đình Tân Trào. Hôm đó đình được trang hoàng đẹp đẽ, xung quanh đình được căng vải đỏ, gian giữa dùng để triển lãm một số sách báo tuyên truyền cách mạng như: Báo Việt Nam mới, cờ giải phóng… và một số vũ khí ta thu được của địch. Chái phía tây là nơi nghỉ ngơi của các vị đại biểu, chái phía đông là nơi họp Đại hội, trên sàn có những dãy ghế ghép lại bằng tre mai, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng và bàn chủ tịch. Chủ trì Đại hội là đồng chí Trường Chinh, trong đại hội Bác được bầu vào đoàn chủ tịch với tên kính yêu Hồ Chí Minh, tuy còn yếu mệt nhưng Bác đã đóng góp ý kiến cho Đại hội góp phần đưa Đại hội đến thành công tốt đẹp. Tại Đại hội các vị đại biểu được nghe các bản báo cáo như: báo cáo của đồng chí Trường Chinh phân tích tình hình thế giới, trong nước làm rõ quân Đồng Minh đang thắng lớn trên các mặt trận và ngày thất bại của phát xít Đức - ý - Nhật sắp đến. Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, thời cơ khởi nghĩa cả nước đã điểm, bản báo cáo nêu rõ yêu cầu cấp bách cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng, để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Báo cáo cũng nêu lên mười điều cần thực hiện để giành chính quyền, đảm bảo độc lập tự do cho đất nước, lợi ích của các tầng lớp nhân dân; Đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân; đồng chí Trần Đức Thịnh báo cáo về phong trào nông dân; đồng chí Nguyễn Đình Thi báo cáo về văn hoá và trí thức; đồng chí Hoàng Đạo Thuý báo cáo về phong trào hướng đạo; đồng chí Vũ Oanh thay mặt cho đoàn báo cáo phong trào cách mạng sôi nổi tại Hà Nội. Các bản báo các  được Bác Hồ cùng các đại biểu rất hoan nghênh. Sau đó các đại biểu Bắc - Trung - Nam lần lượt phát biểu ý kiến đều đồng tình với chủ trương khởi nghĩa trong cả nước để giành chính quyền.

          Đại hội đã sôi nổi thảo luận một số vấn đề về thái độ của nhân dân ta khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Đồng chí Hồ Chí Minh phân tích: ta với tư thế là người làm chủ đất nước và đón tiếp quân Đồng Minh với thái độ người chủ nhân đất nước. Người cũng nêu rõ phải cảnh giác đề phòng bọn thực dân Pháp, có thể nấp sau quân Đồng Minh thâm nhập vào nước ta để hy vọng đặt nhân dân ta dưới ách nô lệ một lần nữa. Song Người căn dặn các địa phương phải có thái độ bình tĩnh để không mắc vào âm mưu khiêu khích của Pháp và bọn phản động.

        Với không khí sôi nổi khẩn trương, Quốc dân đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua mười chính sách lớn (1), trong đó điểm đầu tiên là phải " Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập" và lập ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch (Phó chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu). Uỷ ban dân tộc giải phóng cũng như Chính Phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một Chính phủ chính thức. Uỷ ban này thay mặt Quốc dân giao thiệp với nước ngoài và chủ trì  mọi công việc trong nước. Đại hội cũng quy định Quốc ca, Quốc kỳ, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước.

        Trong khi Đại hội đang họp, một đoàn đại biểu thay mặt nhân dân Tân Trào đến chào mừng Đại hội, một cụ già và một em nhỏ áo quần không được lành lặn, một chị phụ nữ mặc áo tràm gọn gàng. Ông cụ và chị phụ nữ xách cái giỏ có mấy con gà, con lợn, nải chuối, chị phụ nữ nói: "nhân dân Tân Trào không có gì, xã nghèo chỉ có mấy con gà, nải chuối và một con lợn giống mừng Uỷ ban dân tộc mới được bầu, xin chúc Uỷ ban lãnh đạo nhân dân giải phóng cả nước". Bác Hồ cử đồng chí Trần Huy Liệu Phó chủ tịch cảm ơn đoàn đại biểu. Sau đó Bác ngồi tựa lưng vào cột đình và nói: " Chúng ta trong Uỷ ban dân tộc giải phóng và các đồng chí cách mạng hãy nhớ lấy lời thề,  hãy xem em bé này: các cháu cùng lứa tuổi cháu này ở các nước khác thì đã đi học và được đùa chơi, tuổi chơi, tuổi học của các cháu ấy lại được ăn no mặc lành. Nhưng các đồng chí có biết cháu bé này 9 tuổi ở trong làng cháu phải làm gì không? Cháu phải chăn trâu, chặt củi, cõng nước mà áo không có mặc để hở bụng xanh xao. Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Là để giải phóng dân tộc làm cho nhân dân ấm no hạnh phúc, để cho các cháu bé con em của chúng ta như cháu bé này đều được ăn no mặc ấm và đi học. Nhiệm vụ của Uỷ ban dân tộc giải phóng là thế thôi". Lời nói của Bác Hồ với giọng rất xúc động ngắt ra từng tiếng làm cho các vị đại biểu vô cùng xúc động, nhiều người rơm rớm nước mắt.

        Sáng ngày 17/8/1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân đại hội và làm lễ tuyên thệ. Hôm đó đường rất lầy lội, Bác Hồ phải đi chân đất từ lán Nà Lừa đến đình Tân Trào. Gần tới đình, Bác xuống suối rửa chân rồi lên đứng giữa các vị  đại biểu trong Uỷ ban dân tộc giải phóng (2).   

Bác đọc lời tuyên thệ: " Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội  bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân  ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo dân nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!"

          Giọng Bác trang nghiêm, lời thề gắn gọn, hùng hồn thể hiện khí phách kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Đình Tân Trào chứng kiến lời thề của Bác, chứng kiến khí thế sôi nổi của Quốc dân đại hội trong những ngày hừng hực của khởi nghĩa cách mạng tháng Tám.  

Quốc dân đại hội kết thúc, Bác đọc lời tổng kết chúc mừng các vị Đại biểu trở về địa phương nỗ lực phấn đấu cùng toàn dân chớp lấy thời cơ đưa cách mạng đến thắng lợi. Sau khi Bác đọc lời tổng kết, Đại hội còn tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ trong đình, Bác cũng tham dự và nói cùng các vị Đại biểu: "Bây giờ đang vui như thế này thì ta hãy tổ chức một trò chơi vui mà học đi". Mỗi vị đại biểu có một tiết mục góp vui, lúc bấy giờ đồng chí Nguyễn Đình Thi là thanh niên, là đại biểu, đại diện cho giới tri thức đã đứng lên hát bài ''Thanh niên cứu quốc ca'' trong đó có câu: "Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến; tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh". Bài hát kết thúc, mọi người hân hoan vỗ tay, Bác đợi cho không khí lắng xuống, Bác nói với đồng chí Nguyễn Đình Thi: ''Bài hát của chú rất hay, nhưng chú phải đổi một câu; bây giờ chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì không hợp nữa, mà chú phải nên hát là gươm đây, gươm đây thời cơ đã đến thì mới kịp tình hình chung''. Lúc này mọi người đã hiểu ra và vỗ tay hoan hô Bác.

Đình Tân Trào không những ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại trong thời kỳ cách mạng mà còn ghi dấu những kỷ niệm trong thời kỳ hoà bình. Ngày 20 tháng 3 năm 1961, Bác Hồ đã trở lại thăm quê hương cách mạng Tân Trào, nhân dân Tân Trào vui mừng đón Bác tại đình Tân Trào. Trong buổi mít tinh, Bác ân cần dặn dò nhân dân các dân tộc Tân Trào tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất và xây dựng cuộc sống mới ở quê hương mình. Những câu chuyện những lời dặn của Bác đã thấm sâu vào lòng người dân Tân Trào.

        Quốc dân Đại hội Tân Trào, ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 là mốc son chói lọi  mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.

        Về lịch sử xây dựng đình:

        Hiện nay Ban quản lý khu Du lịch, Lịch sử văn hoá và sinh thái Tân Trào còn lưu giữ 4 bản sắc phong của 4 triều vua Nhà Nguyễn sắc phong cho đình Kim Long (đình Tân Trào). Bốn bản sắc phong được Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa như sau:

         Bản sắc phong thứ nhất được dịch là: Sắc ban cho thần Thành Hoàng. Thần vốn được tặng Bảo An Chính Trực Hựu Thiện. Thần giúp nước cứu dân rất linh ứng. Nay Trẫm kế nối nghiệp lớn nhớ tới công lao của thần, nên ban tặng cho thần mỹ tự Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng. Cho phép xã Kim Long, huyện Sơn Dương, thờ phụng thần như cũ. Thần hãy giúp đỡ che chở cho dân lành.

        Hãy kính lấy!

        Ngày 11 tháng giêng niên hiệu Tự Đức 6 (1853).

        Bản sắc phong thứ hai được dịch là: Sắc ban cho Kim Long, huyện Sơn Dương, tỉnh Sơn Tây. Từ trước đã thờ vị thần Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Thành Hoàng. Qua các tiết lễ đã ban sắc phong, cho phép (dân xã) thờ phụng. Năm Tự Đức 31(1878) nhân lễ sinh nhật lần thứ 40 của Trẫm, đã ban chiếu báu, tỏ rõ ơn sâu, nghi lễ long trọng. Nay đăc biệt cho phép nhân dân xã thờ phụng thần như cũ để ghi nhớ ngày đại lễ và làm rạng rỡ điển lễ thờ phụng của đất nước.

        Hãy kính lấy!

        Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự Đức thứ 33(1880).

        Bản sắc phong thứ  ba được dịch là: Sắc ban cho vị thần Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Thành Hoàng. Từ trước đến nay thần giúp nước cứu dân rất linh ứng. Qua các tiết đã ban tặng sắc để lưu giữ thờ cúng. Nay Trẫm kế nối nghiệp lớn, nhớ tới công lao của thần, gia tặng cho thần mỹ tự Dực Bảo Trung Hưng. Cho phép dân xã Kim Long, huyện Sơn Dương, tỉnh Sơn Tây thờ phụng thần như cũ. Thần hãy giúp đỡ che chở cho dân lành.

        Hãy kính lấy!

        Ngày 1 tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh 2( 1887).

        Bản sắc phong thứ tư được dịch là: Sắc ban cho xã Kim Long, tổng Tú Trạc, châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ trước vốn thờ vị thần được tặng Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng. Thần giúp nước cứu dân rất linh ứng. Trải qua các tiết đã ban tặng sắc, cho phép thờ phụng thần. Nhân lễ sinh nhật lần thứ 40 của Trẫm đã ban chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, nghi lễ long trọng. Nay phong tặng thần phẩm trật cho thần là Tĩnh Hậu Trung Đẳng Thần. đặc biệt cho phép dân xã thờ phụng thần để ghi nhớ ngày đại lễ và làm rạng rỡ điển lễ thờ phụng của đất nước.

        Hãy kính lấy

        Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định 9 (1924).

        Hàng năm, đình Tân Trào có 3 ngày lễ, ngày lễ lớn nhất trong năm là ngày 4 tháng giêng âm lịch, trong ngày lễ dân làng dùng kiệu rước các vị thần về đình và tổ chức các trò chơi như: tung còn, đẩy gậy, hát then... ngày lễ này gọi là ngày lễ cầu mùa. Ngoài ra còn có hai ngày lễ, ngày 4/5 âm lịch là hạ điền (xuống đồng); ngày 14/7 âm lịch là có lễ thượng điền (lên đồng), (trước đây trong năm đồng bào chỉ cấy một vụ lúa mùa cho nên lễ hạ điền và thượng điền ứng với thời vụ của vụ mùa).

        Bốn bản sắc phong đình Tân Trào là tài liệu khoa học để khẳng định đình Tân Trào được xây dựng từ trước năm 1923, vì trong bản sắc phong thứ nhất có ghi rõ:" Cho phép xã Kim Long, huyện Sơn Dương, tỉnh Sơn Tây thờ phụng thần như cũ...". Như vậy đình Tân Trào ít nhất cũng được xây dựng từ trước năm 1853, chứ không phải năm 1923 theo các tài liệu đã phát hành ghi theo chữ trên câu đầu của đình. Thành Hoàng làng có tên là mỹ tự là Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng, tên phẩm trật và mỹ tự là Dực Bảo Trung Hưng Tĩnh Hậu Trung Đẳng Thần.

        Nội dung các sắc phong cho thấy tầm vóc to lớn và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của làng bản vùng miền núi xa xôi . Các vị vua ở nhiều triều đại đều tỏ lòng kính trọng, biết ơn và đồng tình với tâm nguyện phụng thờ của muôn dân. Việc phong sắc còn thể hiện mục tiêu trị Quốc, an dân của các triều đại, nhất là các vùng miền núi xa xôi, hơn nữa các vương triều trú trọng đến việc duy trì sinh hoạt văn hoá tâm linh để giữ nước.

                                                                                                                                                                                                                                   Hi Nguyễn


Bài viết liên quan