Đền Pú Bảo tọa lạc giữa cánh đồng Nà Thoa bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi đá cao. Cửa đền quay hướng Bắc, nhìn ra cánh đồng thông thoáng, phía sau đền là dòng suối Nậm Luông quanh năm nước chảy trong mát. Địa thế của đền được chọn theo thuyết phong thủy từ ngàn xưa, tức "tụ thủy, tụ phúc".
Đền Pú Bảo, xã Lăng Can là ngôi đền duy nhất ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, hàng năm vào dịp tết đến, xuân về, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội Lồng tông để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Đền thờ Pú Bảo
Theo những người cao tuổi, dòng họ Nguyễn Thế ở xã Lăng Can có nguồn gốc từ xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Đây là vùng đất văn hiến có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Vào khoảng thế kỷ XVI, tại xã Dương Nội có ba anh em dòng họ Nguyễn Thế. Trong một lần khiêng kiệu tại đình làng, hai người anh vô tình làm gãy kiệu, vì sợ làng trách phạt, hai anh em đã bỏ lên miền ngược để sinh sống. Đi đến xã Hùng Lô (nay thuộc địa phận thành phố Việt Trì), tỉnh Phú Thọ, người anh ở lại lập nghiệp; người em tiếp tục đi, đến địa phận xã Ỷ La, tỉnh Tuyên Quang (nay là phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang) dừng lại để sinh sống. Tại Ỷ La, người em đã lập nghiệp, xây dựng gia đình và sinh ra ba người con trai. Khi lớn lên, người con trai út Nguyễn Thế Quần đã di cư lên vùng sơn cước thuộc châu Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang (nay thuộc vùng đất xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) để sinh sống. Tại đây, ông làm thầy đồ chuyên dạy học cho con cháu các gia đình giàu có và được bà con dân bản yêu thương quý trọng. Với những đức tính hiếu học và thông minh hơn người, ông gây được sự chú ý của Quận Công (là người cai quản vùng đất Vị Xuyên xưa kia), được Quận Công yêu quý gả con gái cho, sau đó nhường ngôi Quận Công. Sau khi lên ngôi Quận Công, ông thể hiện mình là người vừa có tài vừa có đức, chăm lo đến đời sống của muôn dân, lo việc học cho con trẻ. Với tài nghệ văn võ song toàn, ông đã cầm quân dẹp tan giặc loạn ở xứ Tuyên Quang. Cùng những công trạng đã lập được, ngày 9 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), vua Lê Hiển Tông đã ban sắc tặng và phong ông là Siêu Nhạc Bá (đây là một trong 5 tước trong triều đình lúc bấy giờ, tước Bá đứng thứ ba, sau tước Công, tước Hầu).
Căn cứ vào bản sắc phong ngày 9 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), đền Pú Bảo đã có từ thế kỷ XVIII. Nội dung sắc phong ghi rõ:
"Vị Xuyên châu, Lang Can xã, siêu nhạc Nguyễn Thế Quần vi dĩ phiên thần phụ đạo, công thảo Tuyên Quang Đạo, phả hữu công tích, dĩ kinh chi chuẩn, ưng phòng ngự Liêm sự (Thiêm sự) chức, khả vi quả cảm tướng quân. Quân dân phòng ngự, sử ti phòng ngự Liêm sự (Thiêm sự) Siêu Nhạc Bá hạ ban
Cố sắc
Cảnh Hưng thập nhất, niên bát nguyệt sơ cửu nhật
Dịch: Siêu Nhạc Bá Nguyễn Thế Quần, xã Lang Can, châu Vị Xuyên vì có nhiều công tích trong việc đánh dẹp loạn ở đạo Tuyên Quang với tư cách là một phụ đạo ở đất phiên thần; đã từng được chiếu chỉ chuẩn cho làm chức Phòng sự Liêm sự (Thiêm sự), là vị tướng quân quả cảm. Quân dân phòng ngự sử ti Phòng ngự Liêm sự (Thiêm sự) Siêu Nhạc Bá được mức lương hạ ban.
Cho nên ban sắc này
Ngày mùng 9 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ mười một".
Sắc phong của vua Cảnh Hưng thứ 11 (1750)
Đền Pú Bảo, xã Lăng Can ngoài việc thờ Đức Quận Công Nguyễn Thế Quần còn là nơi thờ Thành hoàng làng (thờ các vị thần cai quản sông núi như: Thần núi Khau Ung...) Theo phong tục của người Việt, trong phạm vi gia đình, người Việt thờ tổ tiên và các vị thần như Táo công, Thổ công, thần Tài...; ở phạm vi làng xã, người Việt thờ Thành hoàng làng. Thành hoàng làng là danh từ chung để chỉ vị thần được thờ trong một làng xã Việt Nam.
Cùng với việc thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đem lại cho người dân ý thức hướng về cội nguồn, về quê cha đất tổ bằng những biểu hiện sinh hoạt văn hoá truyền thống. Bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá là trách nhiệm của mỗi người và cũng là để góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Từ bao đời nay ngôi đền Pú Bảo đã có một vị trí vững chắc trong tâm thức của đồng bào Tày nơi đây, là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng làng xã. Các ngày lễ diễn ra tại đền Pú Bảo không chỉ mang tính chất gia đình, dòng họ mà còn mang tính cố kết cộng đồng cao, có sức lan toả mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. Đền Pú Bảo thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn của các bậc sinh thành; đồng thời mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc của con người trong mối quan hệ ứng xử giữa thiên nhiên và con người, phản ánh tín ngưỡng dân dã bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước, ẩn chứa trong đó những giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng.
Phạm Hương