Cú huých cho phát triển du lịch

Tiềm năng du lịch của Tuyên Quang rất phong phú và đa dạng. Chính vì lẽ đó mà tỉnh chọn du lịch là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.

 Mới đây, ngày 3-4, tại triển lãm đặc trưng văn hóa du lịch vùng miền của các tỉnh miền núi phía Bắc, tổ chức tại Hà Nội, tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tìm thuê một gian trưng bày triển lãm ở một vị trí đẹp, trung tâm, gần hiệu kem Tràng Tiền, sát khu vực Hồ Gươm. Thời gian mở cửa triển lãm từ 8 đến 20 giờ hàng ngày, kéo dài tới cuối năm 2016.

Gian hàng của tỉnh triển lãm lần này mang chủ đề “Tuyên Quang miền quê huyền thoại”. Gian hàng có đầy đủ băng đĩa hình, sách, tờ rơi, chính sách mời gọi đầu tư du lịch của tỉnh, bản đồ du lịch, tiết mục biểu diễn sân khấu ngắn đặc sắc, các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như gạo Tân Trào, Kim Phú; nước khoáng Mỹ Lâm, cam sành Hàm Yên, rượu chuối Kim Bình, lạc Chiêm Hóa, miến dong Hợp Thành; chè Mỹ Lâm, Sông Lô; thịt trâu khô Chiêm Hóa; thịt lợn muối chua, rượu ngô Nà Hang… Du khách có thể vừa tham quan gian hàng, vừa mua các sản phẩm tại đây rất thuận tiện. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn và bán hàng cho du khách.

 

Du khách tham quan, mua hàng tại gian hàng triển lãm sản phẩm du lịch Tuyên Quang tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, việc mở gian hàng du lịch tại trung tâm Thủ đô với thời gian kéo dài như vậy được coi như bước đột phá trong xúc tiến du lịch của tỉnh. Hiện tại, không gian triển lãm có sự góp mặt của gian hàng tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Lai Châu, tiếp đó sẽ là tỉnh Hà Giang. Sở đang phối hợp có hiệu quả với Công ty cổ phần Quảng cáo - Thương mại và Du lịch Anh Sơn (Hà Nội) để xúc tiến một cách bài bản, chuyên nghiệp. Qua theo dõi, thấy lượng khách đến với gian hàng khá đông, nhiều công ty du lịch, lữ hành quan tâm đến tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. 

Giáo sư Vũ Khiêu sau khi tham quan một vòng gian hàng triển lãm du lịch của tỉnh ta tại Hà Nội đã rất ấn tượng với các sản vật địa phương. Giáo sư cho biết, Chính phủ đang quy hoạch Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) trở thành Khu du lịch Quốc gia. Chắc chắn trong thời gian không xa, Tân Trào sẽ đón một lượng khách xứng đáng với tầm vóc lịch sử của khu di tích. Giáo sư cho rằng, Tuyên Quang còn có tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với 61 đền, chùa trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, trong đó có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. 

Qua xem băng hình video phát Lễ hội Thành Tuyên tại gian hàng, nhiều khách tham quan tỏ ra thích thú. Bà Vũ Thanh Hồng, du khách Hà Nội nhận xét, nói chung kiểu quảng bá du lịch của Tuyên Quang khiến bà cũng khá tò mò. Nghe nói du lịch lễ hội trên đó độc đáo, đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên với sự diễn diễu của hàng trăm mô hình đèn Trung thu khổng lồ. Mấy người bạn bà trên đó bảo, vào ngày chính lễ, các nhà nghỉ, khách sạn đều “cháy” chỗ. Muốn đi chơi hội, phải đặt phòng trước cả nửa tháng. Gần đây, đọc báo bà thấy Tập đoàn Mường Thanh đang xây khách sạn tại thành phố Tuyên Quang, như vậy du khách sẽ thoái mái lựa chọn các mẫu phòng từ bình dân đến cao cấp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 công ty lữ hành du lịch gồm: Công ty TNHH Thương mại du lịch Việt Bắc, Công ty Du lịch Hương Việt, Công ty Vietrantour (TP Tuyên Quang) đang phối hợp chặt chẽ với cán bộ quản lý gian hàng triển lãm du lịch của tỉnh tại Hà Nội để quảng bá, giới thiệu, hợp tác, liên kết làm ăn với các đối tác trong và ngoài nước. Trước mắt là đẩy nhanh việc liên kết tua, tuyến du lịch, sau đó quảng bá mạnh cho các sản phẩm du lịch trọng điểm của tỉnh. Việc mở triển lãm du lịch Tuyên Quang tại Hà Nội có sự tham gia của nhiều công ty lữ hành du lịch sẽ là cú huých cho kinh tế du lịch của tỉnh phát triển.

                                                                                                                        theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan