Bản sắc Tuyên Quang

Trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyên Quang có một bản sắc rất riêng. Bản sắc này hình thành từ yếu tố lịch sử, tự nhiên và con người. Về lịch sử, các nhà khảo cổ học đã xác định Tuyên Quang là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong tiến trình hình thành và phát triển, Tuyên Quang một thời cũng là “phên giậu của Quốc gia”. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến của cả nước.

 

Quang cảnh Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa.

    Thời Hùng Vương, Tuyên Quang nằm trong Nhà nước Văn Lang và thuộc địa bàn bộ Vũ Định. Trải qua các thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê… tỉnh Tuyên Quang thuộc thừa Tuyên Quang. Đời nhà Nguyễn được gọi là tỉnh Tuyên Quang. Nửa cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp xâm lược nước ta, tháng 4-1900 toàn quyền Đông Dương ra quyết định chia tách tỉnh Tuyên Quang thành 2 tỉnh: Tuyên Quang và Hà Giang. Tỉnh Tuyên Quang bao gồm 6 châu: Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Nà Hang và Yên Bình. Năm 1956, huyện Yên Bình được sáp nhập về tỉnh Yên Bái. Năm 1975, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang lại được tái sáp nhập, nhưng đến năm 1991 lại tách thành 2 tỉnh như ngày nay. Tỉnh Tuyên Quang giờ có 6 huyện, 1 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn.

     Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có trên 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Chủ nhân xa xưa vùng đất này là người Tày, Dao, Cao Lan… Các dân tộc thiểu số khác cũng có nhưng dân số không nhiều. Chính mảnh đất Tuyên Quang giàu tài nguyên thiên nhiên, có tuyến đường thủy sông Lô, sông Gâm thuận lợi, nên xa xưa đã có các thuyền buôn người Kinh từ vùng xuôi lên giao thương.

     Vào thập niên 50 - 70 của thế kỷ XX, những người Kinh chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ lên Tuyên Quang xây dựng vùng kinh tế mới. Họ làm trong các lâm, nông trường, các nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp, tự khai khẩn đất hoang để phát triển kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 750 nghìn dân, trong đó 56% là đồng bào dân tộc thiểu số, 44% là người Kinh. Văn hóa giữa người bản địa và người Kinh có sự giao thoa khá lớn. Người dân tộc này lấy dân tộc kia, người Kinh lấy người dân tộc thiểu số, tạo ra một lớp người khỏe mạnh, thông minh, năng động. Bởi vậy, con gái Tuyên Quang đã có tiếng đẹp nết, đẹp người. Đi đâu người ta cũng nói “Chè Thái, gái Tuyên” để nói về “thương hiệu” người con gái Tuyên Quang.

     Đất đai, khí hậu, nguồn nước đã tạo ra tính cách người Tuyên Quang phóng khoáng, đôn hậu, thủy chung, hiếu khách. Người Tuyên Quang ở các địa phương hay sống quần tụ thành từng làng, tính cộng đồng và đoàn kết khá cao. Chính vì lẽ đó mà Tuyên Quang được ví như “thành lũy vững chắc” bảo vệ thành Thăng Long. Bia đá trên núi Thổ Sơn (TP Tuyên Quang) từng ghi “An biên viễn hải ưu kim bạc/Tuyên thành vạn cổ án Thăng Long”. Dịch nghĩa là “Vùng biên ải xa biển có nhiều vàng bạc/Thành Tuyên Quang đời đời che chắn thành Thăng Long”.

    Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn Tuyên Quang là Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến không chỉ vì nơi đây có vị trí địa lý thuận lợi, mà chính nơi đây còn có lòng dân luôn thủy chung theo cách mạng.

     Tuyên Quang là vùng đất thiêng, đi đến đâu cũng có các đền, chùa. Hệ thống đền của Tuyên Quang tập trung thờ Thánh Mẫu và các anh hùng dân tộc. Có lẽ tín ngưỡng thờ đạo Mẫu là tín ngưỡng thuần Việt, cổ xưa mang đậm nét của người Tuyên Quang nói riêng và người Việt Nam nói chung. Ngoài đền, Tuyên Quang có nhiều ngôi chùa cổ hàng nghìn năm tuổi, khẳng định Phật giáo vào đất Tuyên Quang khá sớm.

     Tuyên Quang còn có nhiều lễ hội phong phú như Hội đua thuyền trên sông Lô (TP Tuyên Quang); Lễ hội Lồng tông của đồng bào dân tộc Tày (Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình); Lễ hội Đình Giếng Tanh của đồng bào dân tộc Cao Lan, Lễ hội Đầm Mây của dân tộc Dao (Yên Sơn); Lễ hội Động Tiên - Chợ quê của các dân tộc (Hàm Yên); Lễ hội Cầu Mùa của đồng bào Tày, xã Tân Trào (Sơn Dương); Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình); Lễ hội Thành Tuyên - lễ hội cấp tỉnh lớn nhất năm của người Tuyên Quang với nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, ấn tượng…

    Kiến trúc nhà ở của người Tuyên Quang khá phong phú, ngoài hệ thống nhà xây hiện đại ở các đô thị, trung tâm các xã, thị trấn thì nhà sàn ở vùng nông thôn vẫn còn giữ được nhiều. Tập quán ở nhà sàn của người Tày, Dao, Cao Lan… vẫn được phát huy, hiện nay người dân còn làm nhà sàn cột bê tông cốt thép, vừa hiện đại lại vừa lưu giữ được nét truyền thống. Ngôi nhà sàn thực sự đã tô điểm cho không gian văn hóa làng quê, ở đó tiếng đàn Tính, làn điệu Then; tiếng trống Sành, làn điệu Sình Ca; kèn Pí lè, làn điệu Páo dung văng vẳng hồn quê.

    Bản sắc văn hóa Tuyên Quang còn hội tụ ở yếu tố ẩm thực. Ai lên đây còn nhớ đặc sản Xứ Tuyên như cá Dầm xanh, Anh vũ, cá chiên, lăng, bỗng, gà đồi, lợn đen, rau rừng, cam sành Hàm Yên, chè Tân Trào, sông Lô, Mỹ Lâm, rượu ngô Nà Hang, thịt trâu khô, măng rừng, mộc nhĩ, mật ong, các bài thuốc nam, vùng lá dong, hoa lan của miền Bắc… mang đặc trưng Xứ Tuyên.

Theo http://tuyenquang.gov.vn

 


Bài viết liên quan