Di sản văn hóa là hồn cốt dân tộc

Nhiều khách du lịch khi đến Tuyên Quang phải thốt lên, hiếm có tỉnh, thành phố nào trong cả nước lại có một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đến vậy. Di sản văn hóa của Tuyên Quang phong phú, đa dạng ở loại hình văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa này đã làm nên hồn cốt bản sắc dân tộc của người Tuyên Quang.

Nghi lễ Cúng cầu mùa trong Lễ hội Lồng tông dân tộc Tày huyện Lâm Bình.

 

     Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó chủ yếu là di tích lịch sử cách mạng nằm trong nhóm văn hóa vật thể. Quả không ngoa khi người ta gọi Tuyên Quang là “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Tiêu biểu nhất phải kể đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). Cùng với đó, Khu di tích lịch sử Kim Bình (Chiêm Hóa) hiện cũng đang trong giai đoạn làm hồ sơ để được công nhận khu di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh có một bảo vật quốc gia là Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa). Ngoài các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, Tuyên Quang còn có các di tích khảo cổ học người Việt cổ, di tích đền, chùa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật.

Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao Đỏ.

     Lĩnh vực văn hóa phi vật thể, Tuyên Quang có 35 lễ hội đặc sắc. Trong đó, phải kể đến một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày (Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình), Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình), Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Tày Tân Trào (Sơn Dương), Lễ hội Đình Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan (Yên Sơn), Lễ hội Động Tiên - Chợ quê (Hàm Yên), Lễ hội Đua thuyền trên sông Lô, rước Mẫu (TP Tuyên Quang), Lễ hội Thành Tuyên - lễ hội cấp tỉnh lớn nhất trong năm của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống nên phong tục, tập quán, tín ngưỡng, kiến trúc nhà ở, trang phục, nhạc cụ, các bài thuốc dân gian cũng rất phong phú, đa dạng. Kho tàng dân ca, dân vũ như làn điệu Then, Cọi, Quan làng, Páo dung, Sình ca, Soọng cô phát triển khá mạnh.

     Trong quá trình xây dựng và phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tỉnh giao cho các cơ quan chuyên môn lập quy hoạch, xây dựng hồ sơ khoa học đối với các di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa tiêu biểu để phục hồi, tu bổ, tôn tạo. Hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đền, chùa, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán… trên địa bàn tỉnh đều được bảo tồn và phát huy khá tốt, được dư luận đánh giá cao.

Nghi lễ rước mâm tồng tại Lễ hội Động Tiên - Chợ quê huyện Hàm Yên.

 

    Từ năm 2010 đến 2015, tỉnh ta đã lập được 8 hồ sơ văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có 7 di sản văn hóa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Lồng tông, nghi lễ Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan. Tỉnh cũng đang phối hợp với các tỉnh đất Then tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Then Tày, Nùng, Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    Các địa phương trong tỉnh tích cực khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thôn, xóm, tổ dân phố thành lập câu lạc bộ dân ca, dân vũ. Đến nay, toàn tỉnh có 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày; 6 câu lạc bộ hát Páo dung, bảo tồn của dân tộc Dao, 1 câu lạc bộ hát dân ca của dân tộc Mông, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, 5 câu lạc bộ hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, 1 câu lạc bộ giữ gìn tiếng nói và trang phục của dân tộc Nùng.

    Hiện nay, tỉnh đang triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020”. Nội dung cụ thể của đề án gồm tổng kiểm kê, đánh giá toàn diện, lập hồ sơ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; xây dựng, bảo tồn 3 làng văn hóa du lịch cộng đồng; hỗ trợ phát triển một số nghề truyền thống; phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang dự kiến 2 năm 1 lần.

     Với chủ trương lấy nền tảng văn hóa, truyền thống cách mạng để phát triển kinh tế, xã hội bền vững, đặc biệt lấy văn hóa để phát triển du lịch, một trong 3 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh ta đã có những bước đi đúng hướng. Điều đó được khẳng định, năm 2016 toàn tỉnh đã đón trên 1,3 triệu lượt khách du lịch. Bản sắc và thương hiệu của tỉnh ngày càng được định hình rõ nét trên bản đồ du lịch quốc gia.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan