Những ngôi chùa cổ ở Tuyên Quang

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Thời nhà Lý - Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, trở thành quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống.

 

Chùa cổ Phúc Lâm Tự, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) được phục dựng lại, trở thành di tích cấp quốc gia.

    Để tăng cường giữa vương quyền và thần quyền, các triều đình phong kiến đã chú trọng phát triển Phật giáo từ trung tâm ra các tỉnh, trong đó có Tuyên Quang - địa phương giữ vị trí địa lý đặc biệt ở phía Bắc, được coi là “phên dậu quốc gia” trấn ải cho thành Thăng Long. Nhằm phát triển Phật giáo đi vào mạch nguồn tâm linh của cư dân miền núi, các triều đình đã xây dựng được hệ thống chùa chiền tại địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

    Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 30 ngôi chùa, trong đó nhiều ngôi chùa cổ có từ thời nhà Lý -Trần. Điều đó khẳng định rằng, Phật giáo hình thành và phát triển khá rực rỡ tại đất Tuyên Quang khoảng 1.000 năm. Trong các ngôi chùa cổ, phải kể đến chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa). Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc đã được công nhận là bảo vật quốc gia, nội dung có ghi chùa được khởi dựng vào cuối mùa xuân của năm Đinh Hợi, niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thời Lý Nhân Tông năm 1107. Văn bia đề cập đến dòng dõi họ Hà, đặc biệt là công đức của Thái phó Hà Hưng Tông trong việc cùng Lý Thường Kiệt đánh quân Tống, sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với đồng bào vùng cao.

    Cách chùa Bảo Ninh Sùng Phúc không xa, năm 2015, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành thám sát khảo cổ học di tích một ngôi chùa cổ có tên chùa Nhùng trên đỉnh đồi Pù Chùa, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa). Quá trình khảo sát, đã phát hiện được các dấu tích kiến trúc như: Nền kiến trúc, vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt, thờ cúng bằng sành, sứ, đồng, đất nung cổ. Qua đánh giá bước đầu, đây là một ngôi chùa cổ có niên đại thời Lý thế kỷ XI - XIII. Từ kết quả thám sát, các chuyên gia khảo cổ học đánh giá chùa Nhùng là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, cấu trúc tương đối rõ ràng và hiếm gặp trong hệ thống các kiến trúc cổ ở Việt Nam. Cùng với chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), chùa Nhùng là ngôi chùa thứ hai có kiến trúc thời Lý và có niên đại sớm nhất đã phát hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.

    Từ bao đời nay ở huyện Sơn Dương lưu truyền câu ngạn ngữ: “Chùa Lang Đạo - Gạo Thái Nguyên” để nói về sự hoành tráng và nổi tiếng của một ngôi chùa vốn là niềm tự hào của cả vùng mà nay không còn nữa. Tháng 10 -2011, người dân thôn Tân Hồng, xã Tú Thịnh đã thuê máy xúc múc đất làm xuất lộ ra một mảng sân lát nền in nổi hoa chanh. Vụ việc sau đó được báo cáo với chính quyền địa phương và các cuộc khảo cổ học bắt đầu với sự tham gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam. Theo các nhà khảo cổ học, di tích kiến trúc chùa cổ Lang Đạo thuộc xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương được khởi dựng từ thế kỷ XIV dưới triều đại nhà Trần và phát triển mạnh vào thế kỷ XV - XVI, dưới thời Lê sơ. Di tích và di vật phát hiện cung cấp những tư liệu quý góp phần vào việc tìm hiểu văn minh Phật giáo, văn minh Đại Việt thời Lý - Trần ở vùng núi phía Đông Bắc Việt Nam; đóng góp vào việc tìm hiểu hệ thống các ngôi chùa cổ và hệ thống Phật giáo ở vùng núi.

    Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều ngôi chùa cổ như: Chùa Phật Lâm, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) được xây dựng khoảng từ thế kỷ X - XIV thời Lý - Trần; chùa Phúc Lâm Tự, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) được xây dựng từ thế kỷ XIII - XIV thời nhà Trần; di tích chùa Cao Đá, xã Sơn Nam (Sơn Dương) được xây dựng từ thế kỷ XIII - XIV thời nhà Trần; chùa Đại Bi, xã Xuân Vân (Yên Sơn) được xây dựng thời Lý - Trần; chùa Thiện Kế (Sơn Dương) được xây dựng ở thế kỷ XIII. Ngoài ra hàng loạt ngôi chùa nổi tiếng khác trên địa bàn tỉnh được xây dựng sau đó như chùa Hang, An Vinh, Linh Thông (TP Tuyên Quang); chùa Phổ Linh (Yên Sơn)...

    Thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ, sinh hoạt Phật giáo bị gián đoạn. Bước sang hòa bình và đổi mới, sinh hoạt Phật giáo được phục hưng, số lượng phật tử ngày càng đông. Tỉnh ta có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, có Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp đang được xây dựng. Nhiều nơi Hội Phật giáo kết hợp với phong tục địa phương thực hiện an sinh xã hội, lễ hội, làm từ thiện, viếng mộ liệt sỹ, cầu siêu cho linh hồn những người hy sinh vì nước. Trong gia đình, nhiều người lấy điều răn trong kinh Phật để truyền dạy thế hệ trẻ về lối sống, chính tỏ Phật giáo có ảnh hưởng lớn văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Việt. Ở Tuyên Quang, lễ Phật thường niên vào 15 tháng 4 âm lịch trong ngày Phật Đản; hội chùa vào tháng Giêng, tháng 4 và tháng 7 âm lịch. Lễ Phật hàng tháng vào ngày rằm và mùng một âm lịch, nhân dân đến chùa làm lễ với tấm lòng thành kính, hướng thiện.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan