TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Chính phủ tại Tuyên Quang. Ảnh: Quốc Tuấn
Chiều 26/2, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã có những nhận định cũng như đóng góp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch VCCI nhận định, Tuyên Quang là địa phương có nhiều nỗ lực vượt bậc trong việc phát triển kinh tế- xã hội địa phương, trở thành điển hình của sự bứt phá về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Cụ thể, Tuyên Quang từ nhóm có chỉ số PCI thấp (vị trí 63) đã ngày một cải thiện và lọt nhóm có top cao hơn, lên vị trí 48 vào năm 2015 và kỳ vọng năm 2016 sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, Tuyên Quang đang có một luồng sinh khí đổi mới vô cùng mạnh mẽ với nhiều cách triển khai sáng tạo.
“Tuy là địa phương không có những lợi thế đặc biệt nhưng Tuyên Quang lại có được sự quan tâm đặc biệt từ trung ương và tôi hy vọng, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ về nguồn vốn nhằm tạo bệ đỡ và nền tảng để tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa” – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Nhưng trước tiên, theo ông Lộc, để đạt được những đột phá trong cải cách như trên phải khẳng định vai trò quan trọng là từ chính sự nỗ lực bên trong của địa phương.
“Ở đây có một thứ “đặc sản” đó là môi trường kinh doanh, việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh đã nói ở trên là một minh chứng cho điều này” – ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đồng thời, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, Tuyên Quang là cái nôi của nhiều mô hình mới. Cụ thể, đây là tỉnh đi đầu trong cơ chế cà phê doanh nhân, tạo cơ hội cho lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, trao đổi và có những hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Tuyên Quang cũng là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng được bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở ban ngành và suốt 2 năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt được việc này.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh còn chú trọng, quan tâm đến vai trò của các Hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp. Tháng 11 tới, tỉnh sẽ thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, đây sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo VCCI cũng kiến nghị, tỉnh Tuyên Quang cần nâng cao chỉ số tính minh bạch của môi trường kinh doanh bởi địa phương còn nhiều dư địa để cải cách; Tăng cường hơn nữa chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với đó tăng cường chất lượng nguồn lao động.
Bên cạnh đó, chú trọng hơn nữa và tiến hành đánh giá thực thi việc hỗ trợ doanh nghiệp tại cấp cơ sở.
Theo những điều tra về doanh nghiệp, hiện có đến 60% – 70% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh rất tích cực trong việc hỗ trợ nhưng về đến lãnh đạo địa phương thì chưa.
Nhìn từ kế hoạch phát triển của Tuyên Quang, Chủ tịch VCCI cũng đề xuất, các địa phương cần chú ý tới nông nghiệp đặc sản và nông nghiệp hữu cơ. Đây sẽ là hướng rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp bên cạnh hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt với các tỉnh miền núi như Tuyên Quang có nhiều giá trị về sản phẩm đặc thù để phát triển theo hướng này.
Tuyên Quang cũng là tỉnh đổi mới trong công tác tổ chức hội nghị xúc tiến, thay vì tổ chức hội nghị xúc tiến về đầu tư hay hội nghị xúc tiến về thương mại, tỉnh đã tích hợp các mặt của kinh tế để tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Các địa phương cần đổi mới theo hướng tích hợp này.
Về phần mình, Chủ tịch VCCI khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh với tỉnh Tuyên Quang, bên cạnh những nỗ lực của tỉnh để địa phương đạt được những định hướng và mục tiêu phát triển thời gian tới.
Nguồn "Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam"