Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông

Bộ văn văn hóa Thể thao và Du lịch vừa công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa ở Tuyên Quang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người Mông ở Tuyên Quang sinh sống tập trung ở các huyện Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên… Dân tộc Mông ở Tuyên Quang vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo. Một trong những biểu trưng của tinh hoa văn hóa Mông đó là trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông. Là dân tộc có truyền thống văn hóa lâu đời, dân tộc Mông đã hình thành một nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc với nhiều giá trị của văn hóa vật thể và phi vật thể được hun đúc qua bao đời và trở thành những di sản văn hóa  đặc sắc của đồng bào Mông ở Tuyên Quang. Một trong những di sản văn hóa đặc sắc đó là nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa. Nghệ thuật tạo hình dân gian của người Mông Hoa thể hiện rõ nét trên trang phục và đồ dùng sinh hoạt. Từ trong đời sống vật chất và tinh thần của Mông Hoa, họ đã sáng tạo, đúc kết gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình sự tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mỹ dân gian.

Trang phục truyền thống của người Mông Hoa mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết hoa văn rực rỡ của sự phối màu hài hòa các gam màu ấm, màu chủ đạo là: Đỏ, hồng, vàng, cam xen lẫn một số ít hoa lá màu xanh lá cây, trắng trên nền vải chàm hoặc đen, tuy nhiên màu đỏ tươi vẫn là màu chủ đạo. Để hoàn thiện được một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông Hoa qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ, từ kỹ thuật vẽ và in hoa văn bằng sáp ong trên vải, thêu thùa, đến cách cắt khâu đến hoa văn, cách tạo hình… và đặc biệt là màu sắc trang trí nhất thiết phải có đủ năm màu cơ bản, tạo nên sắc thái riêng biệt trong văn hóa trang phục của đồng bào Mông.
 

Kỹ thuật vẽ, in sáp ong rất độc đáo của người Mông ở Lâm Bình. 
 

Chị Lò Thị Dễ thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết: Người Mông Hoa có kỹ thuật vẽ, in sáp ong rất độc đáo. Họ sử dụng khuôn đã được chạm khắc các họa tiết trang trí từ trước rồi nhúng vào trong sáp ong được đun nóng để dập lên miếng vải trắng. Vẽ sáp ong là kỹ thuật dùng một chiếc bút cán gỗ, ngòi bút làm bằng các miếng đồng mỏng ghép lại chấm lên sáp ong nóng chảy vẽ hoặc in trên mặt vải thô màu trắng, che phủ những vị trí muốn giữ lại màu gốc của vải. Về cơ bản, in sáp ong tiếng Mông gọi là Nthu taz là việc sử dụng khuôn đã được chạm khắc các họa tiết trang trí từ trước rồi nhúng vào trong sáp ong được đun nóng để dập lên miếng vải trắng. Muốn vẽ được sáp ong phải chuẩn bị chảo đun sáp ong và các loại bút đồng (ngòi bút được làm bằng đồng nên gọi là bút ngòi đồng). Sau khi họ hoàn tất những tấm vải in sáp ong, tiếp đến là đến công đoạn cắt ghép thành bộ trang phục cổ truyền. Bộ trang phục của phụ nữ Mông Hoa gồm: Khăn, áo, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp, túi. Người Mông rất ưa sử dụng màu sặc sỡ với 4 loại màu cơ ban là xanh, đỏ, trắng vàng trong đó màu đỏ giữ vai trò chủ đạo và cũng là màu khó thêu nhất vì màu đỏ là màu được thêu đầu tiên trên tấm vải. Màu đỏ làm người Mông nổi bật trước đám đông trong phiên chợ hay trong các lễ hội đồng thời màu sắc tươi sáng rực rỡ đó còn là biểu trưng cho sự ấm áp no đủ hạnh phúc và khát vọng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
 


Các bà mẹ truyền dạy cho con cháu về kỹ thuật vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống.

Mặc dù, xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, hàng hóa ngoại lai xâm nhập vào tận thôn bản với giá cả phải chăng, hoa văn màu sắc rực rỡ, nhưng phụ nữ Mông Hoa ở Tuyên Quang hiện nay vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Bản sắc đó được thể hiện từ chất liệu, kiểu cách, cắt khâu đến màu sắc, hoa văn, cách tạo hình, bố cục các mảng trang trí trên trang phục đều mang diện mạo, sắc thái riêng. Qua đó, trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục đã thực sự trở thành những thành tố quan trọng, linh thiêng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng và cấu thành nên văn hóa Mông riêng biệt, không thể hòa lẫn với bất kỳ tộc người nào khác.

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/

 


Bài viết liên quan