Chiếc vòng bạc cũng là điểm nhấn khi người phụ nữ dân tộc Dao, dân tộc Tày mặc trang phục truyền thống.
Hành trình trải nghiệm những cung đường qua các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình hay ở TP Tuyên Quang. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể bắt gặp người dân tộc thiểu số nơi đây diện trang phục truyền thống của dân tộc mình. Điều đó cho thấy sự phong phú, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây. Đi kèm với trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số, người phụ nữ còn có nhiều loại trang sức như: Vòng cổ, vòng tay, vòng chân, vòng đeo tai… Nhưng dễ nhận thấy nhất là chiếc vòng đeo cổ, vòng thường được làm bằng bạc, ngoài ra có thể được làm bằng sắt và đồng. Cách đeo vòng cũng khác nhau ở mỗi dân tộc, có dân tộc chỉ đeo một chiếc vòng để tạo sự hài hoà với bộ trang phục như dân tộc Tày, Cao Lan… Nhưng có dân tộc có thể đeo vài chiếc vòng trên cổ, to nhỏ khác nhau để tạo điểm nhấn cho bộ trang phục.
Chị Bàn Thị Tuyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Quang (Lâm Bình) chỉ sẻ: đối với đồng bào Dao tiền, bạc và các trang sức làm từ bạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần. Người phụ nữ Dao tiền ở xã Hồng Quang có thể đeo nhiều vòng bạc trên cổ, vừa để trang trí, vừa cho thấy hoàn cảnh gia đình khá giả hay khó khăn. Ngoài ra người Dao tiền còn quan niệm, bạc là để trừ tà ma, chống gió độc, mang lại những điều tốt lành, sức khoẻ cho người dùng. Vì vậy, chiếc vòng đeo cổ bằng bạc còn được chọn làm món quà ý nghĩa để người lớn tặng cho con trẻ, mong cho các bé mạnh khoẻ, may mắn trong cuộc sống.
Chiếc vòng bạc bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, chiếc vòng cổ bằng bạc còn là của hồi môn của ông bà, bố, mẹ dành cho con, cháu khi về nhà chồng, mong con cháu luôn mạnh khoẻ, may mắn, hạnh phúc và được thần linh phù hộ trong cuộc sống. Bà Ma Thị Tong, 81 tuổi ở thôn Nà Kham, xã Năng Khả (Na Hang) nói, gia đình bà có 5 người con gái, gia đình bà cố gắng dành dụm để mua chiếc vòng cổ làm của hồi môn cho các con trước khi về nhà chồng. Bà Tong cho biết thêm, trước hết phải kể đến sự giản dị, nền nã nhưng hết sức tinh tế của trang phục dân tộc Tày. So với một số dân tộc khác, trang phục của phụ nữ Tày không rực rỡ nhưng trang nhã, thể hiện tính cách của người phụ nữ Tày chân thành, trầm lắng và sâu sắc. Tất cả từ quần, áo, váy, thắt lưng, túi vải đeo, đôi giày đến chiếc khăn đội đầu, khăn trùm đều được làm bằng vải chàm dệt thủ công tỉ mỉ, khéo léo. Phụ nữ Tày mặc áo chàm dài xẻ tà, vạt áo thướt tha trùm đến bắp chân, tay áo và thân áo bó vừa khít người, đầu vấn khăn ngang, ngoài trùm khăn mỏ quạ, thêm trang sức vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, xà tích bằng bạc. Nam giới người Tày mặc áo chàm ngắn, cổ đứng, quần đũng chéo ống rộng dài đến mắt cá chân. Điều đặc biệt ở đây là chiếc vòng cổ bằng bạc là trang sức không thể thiếu của người phụ nữ Tày cùng với trang phục truyền thống.
Ngày nay, đời sống vật chất của đồng bào ở các địa phương ngày càng được nâng lên, mỗi người có thể mua sắm cho mình những trang sức đắt tiền, nhưng chiếc vòng bạc đeo cổ, điểm nhấn cho bộ trang phục truyền thống của nhiều dân tộc vẫn không thể thiếu. Mỗi bộ trang phục truyền thống kèm theo đó là những đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, xà tích bằng bạc không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng và khát vọng cao đẹp của từng dân tộc. Chính điều đó đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa sắc màu văn hóa các dân tộc. Giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Theo: ĐNTQ.