Gắn làng nghề với du lịch trải nghiệm

Việc Chính phủ đang quy hoạch Tân Trào là Khu du lịch Quốc gia sẽ là cú huých quan trọng đưa thôn Vĩnh Tân trở thành làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm khá hấp dẫn. Du khách có thể đến làng nghề mua các sản phẩm chè ngon, an toàn được sao thủ công truyền thống; được trải nghiệm đi hái chè, tham gia quy trình sao, đóng gói chè và chụp ảnh trên những nương chè bậc thang với màu xanh ngút ngàn tầm mắt.

Du khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống với người Pà Thẻn, thôn Thượng Minh,
xã Hồng Quang (Lâm Bình)
.

      Bà Nguyễn Thị Hường, một du khách ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, vừa qua đoàn của bà lên thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Sau khi tham quan xong, được hướng dẫn viên du lịch chỉ đường cho đoàn vào làng nghề Vĩnh Tân. Làng nghề chỉ cách UBND xã 1 km, có đường bê tông nông thôn đi lại thuận lợi. Ở đây, đa phần nhà cửa của người dân đã được xây dựng kiên cố, khang trang. Cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn nhờ phát triển trồng chè.

      Ấn tượng của đoàn là thôn có 110 hộ thì có 105 hộ làm chè, với diện tích lên tới hơn 100 ha. Như vậy, trung bình mỗi hộ gia đình có gần 1 ha chè. Ngoài ra, hộ nào cũng có từ một đến vài máy sao chè thủ công, cả thôn như một công xưởng sản xuất, đông vui, nhộn nhịp. Cùng với việc đi thăm nương chè, xem quy trình sao chè thủ công, đoàn của bà còn mua được chè ngon về làm quà.

     Chúng tôi được Trưởng thôn Phạm Ngọc Thảnh dẫn đi thăm “thủ phủ” chè của thôn. Đoạn đường nội đồng ngoằn nghoèo dài 5 km đã được thôn trải bê tông, ô tô, xe máy có thể vào sát chân nương chè. Chất đất nâu đỏ ở đây quả là phù hợp với cây chè, chè Vĩnh Tân uống vào có hương thơm và vị khác hẳn.

      Độ dốc các nương chè ở Vĩnh Tân khá cao, xen kẽ các quả đồi bát úp tạo nên các luống chè như ruộng bậc thang rất đẹp mắt. Có nhiều đôi trai gái chọn bối cảnh nương chè Vĩnh Tân để chụp ảnh cưới. Khách du lịch giờ cũng khá thích thú khi được hái thử vài búp chè, rồi chụp ảnh “tự sướng” với các nông dân ở đây.

Khách du lịch tìm hiểu quy trình sản xuất chè truyền thống của gia đình chị Trần Thị Khiêm,
Làng nghề Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương).

     Chè Vĩnh Tân đã từng đoạt Cúp đồng Hội thi “Búp chè vàng” tại Liên hoan Chè Thái Nguyên. Giờ uy tín và thương hiệu chè Vĩnh Tân ai cũng biết. Năm 2014, UBND tỉnh đã công nhận Vĩnh Tân là làng nghề đầu tiên của tỉnh. Thôn trở thành làng nghề, các hộ đều ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc xây dựng thương hiệu chè, vì vậy, sản phẩm làm ra ngày càng chất lượng hơn.

     Chè làm ra đến đâu khách du lịch, lái buôn đến lấy hết đến đó, hầu như người dân không phải mang đi chợ bán. Giá bán chè Vĩnh Tân hiện tại cũng rất phù hợp, dao động từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg. Nhờ làm chè mà thu nhập bình quân đầu người ở thôn đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động của các xã lân cận có thu nhập ổn định từ hái chè thuê, với ngày công đạt 180 đến 200 nghìn đồng/người/ngày.

     Thời gian gần đây, người dân làm chè ở trong thôn muốn phối hợp để phát triển loại hình du lịch làng nghề trải nghiệm thực tế sản xuất. Lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, Ban quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào đã xuống họp bàn trực tiếp với người dân.

     Hướng trong thời gian tới sẽ đưa du khách vào thăm làng nghề, ăn ở theo loại hình dịch vụ homestay với người dân sở tại. Vì vậy, Làng nghề Vĩnh Tân cần tiếp tục chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng đội văn nghệ thôn, chuẩn bị nhiều món ăn đặc sắc của địa phương, xây dựng hội chè đạo…, Ban quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Làng văn hóa du lịch Tân Lập phối hợp tốt với làng nghề để thu hút khách đến với Tân Trào ngày càng nhiều hơn. Có như vậy, thương hiệu chè Vĩnh Tân mới ngày càng lan tỏa và bay xa…

Theo TQĐT


Bài viết liên quan