VỀ THĂM TÂN TRÀO THÁNG TÁM LỊCH SỬ

Hơn 72 năm đã đi qua, mà dường như mỗi bản làng, rừng cây và cả mỗi ngọn gió của vùng đất chiến khu cách cách mạng Tân Trào vẫn còn lưu lại hơi ấm và hình ảnh của ông Ké hiền từ với đôi mắt sáng mà cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác chỉ với mong muốn là làm sao cho nước nhà được độc lập, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

          Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/03/1945), cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 3 năm 1945 tại Thanh La giành thắng lợi, Châu Tự do được thành lập bao gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương, Tân Trào nằm trong vùng tự do.

          Ngày 4 tháng 5 năm 19  45, Bác Hồ từ Pắc Bó tỉnh Cao Bằng về Tân Trào tỉnh Tuyên Quang, “Một địa điểm có dân tốt, cơ sở cách mang tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược, ra nước ngoài và bảo toàn được lực lượng của ta’’, "Tiến khả dĩ công, thoái khả giữ thủ’’ và có chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên của cả nước, để chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

          Trải qua 18 ngày đêm, Bác đến Tân Trào ngày 21 tháng 5 năm 1945, nơi dừng chân đầu tiên của Bác là đình Hồng Thái. Sau đó Bác vào làng Tân Lập ở và làm việc tại gia đình nhà ông Nguyễn Tiến Sự (chủ nhiệm Việt Minh của làng Kim Long). Được ít ngày sau, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, Bác chuyển từ nhà ông Nguyễn Tiến Sự lên lán Nà Nưa (Nà Lừa).

          Nà Nưa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập  500m về hướng đông, lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây rậm rạp đảm bảo  an toàn, bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái". 

(Lán Nà Nưa nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ chí Minh từ tháng 5 đến tháng 8/1945)

          Đến thăm căn lán đơn sơ này, trong lòng chúng ta đều trào dâng niềm xúc động, cảm phục trước nhân cách cao quý của Bác Hồ, người cha già của dân tộc. Người đã sống hòa lẫn trong cuộc sống của xã hội, đồng cam, cộng khổ với mọi người. Sự bình đẳng này càng khẳng định tầm vóc của một Nhà văn hóa lớn.

          Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thời kỳ tiền khởi nghĩa, mọi văn bản, chỉ thị chỉ đạo Tổng khởi nghĩa đều được khởi thảo tại căn lán Nà Nưa, Đại bản doanh của cách mạng. Vì thế, Lán Nà Nưa được ví như một Phủ Chủ tịch bằng tre nứa giữa rừng đại ngàn Việt Bắc.

          Một trong những chỉ thị đầu tiên của Bác Hồ khi đến Tân Trào là phải khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ. Sau đó, ngày 25/6/1945, Trường  quân chính kháng Nhật khóa I khai giảng tại Khuổi Kịch, Tân Trào.

          Chấp hành chỉ thị của Bác và Tổng bộ Việt Minh, ngày 4 tháng 6 năm 1945, Hội nghị cán bộ toàn khu được tổ chức tại lán Nà Nưa. Hội nghị đã quyết định thành lập khu giải phóng; Thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh và Tân Trào được chọn làm trung tâm Thủ đô khu giải phóng.

          Trước tình thế giới và trong nước ngày càng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam tại căn lán đơn sơ và giản dị này, Bác Hồ đã khẳng định quyết tâm khát khao giành cho được độc lập. Người nói: "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành  được độc lập".

          Cùng với cao trào kháng Nhật đang phát triển rất mạnh trong cả nước Việt Nam, cuộc chiến tranh Châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra màn chót. Cục diện chung đang chứng minh lời Bác nói: “...thời cơ thuận lợi đã tới...” Bác đã chỉ thị tổ chức gấp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân. Người nói với Thường vụ Trung ương “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”.

          Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Về dự có gần 30 đại biểu, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, các chiến khu.

          Sau khi phân tích mọi mặt về điều kiện khách quan, chủ quan và đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, cơ hội tốt cho ta giành chính quyền, độc lập đã đến...” Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm 5 đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị và Chu Văn Tấn do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. 23h ngày 13 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến. Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng. Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh của các bạn. Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”. Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy đấu tranh giành quyền Độc lập-Tự do.

          Ngày 16 tháng 8 năm 1945, trước sự chứng kiến của nhân dân các dân tộc Tân Trào và các đại biểu dự Quốc dân Đại hội, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Quân lệnh số 1. Ngay sau đó, Quân giải phóng đã hành quân qua Thái Nguyên, tiến về giải phóng Hà Nội. Đây là lễ xuất quân công khai đầu tiên của Quân giải phóng Việt Nam.

Cây đa Tân Trào nơi đơn vị Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Hà Nội tháng 8/1945)

           Chiều 16 tháng 8 năm 1945, trong không khí khẩn trương và hào hùng của cách mạng, Quốc dân Đại hội, một hội nghị “Diên Hồng” thứ hai trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào đối với Đảng, với Mặt trận Việt Minh, thể hiện sự đoàn kết của toàn dân trong giờ phút quyết định của đất nước đã khai mạc tại đình Tân Trào. Dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, đại biểu Việt kiều ở Thái Lan và Lào, đại biểu của các đảng phái chính trị trong mặt trận Việt Minh, đại diện các tổ chức quần chúng, các dân tộc thiểu số, các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam và nước ngoài. Đại hội đã quyết định Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, lãnh đạo cả n­ước đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân và thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quy định Quốc kỳ, Quốc ca. 

( Đình Tân Trào nơi họp Quốc dân Đại hội tháng 8/1945)

          Sáng ngày 17/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân đại hội và làm lễ tuyên thệ. Bác đọc lời tuyên thệ: "Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội  bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo dân nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!"

          Tại đình Tân Trào, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: “Giờ phút quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà giải phóng cho ta’’. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước phát ra từ Tân Trào, đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vang dội, lập chính quyền nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội./.  

                                                                                         

                                                                                             Nguyễn Thị Hải

 

                                                                                    


Bài viết liên quan