Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Không chờ “hữu xạ tự nhiên hương”

Ngày 27-6-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như tỉnh ta, mục tiêu đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được đánh giá là khả quan.

    Tiềm năng lớn, cơ hội nhiều

    Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được tỉnh ta đặt ra từ nhiệm kỳ 2010 - 2015. Tỉnh đã xác định phát triển các loại hình du lịch đặc trưng của tỉnh là du lịch văn hóa - lịch sử với các điểm du lịch tiêu biểu như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Khu di tích ATK - Kim Quan (Yên Sơn); du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái như Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, hồ sinh thái Na Hang, thác Bản Ba (Chiêm Hóa), động Tiên, hồ Khởn (Hàm Yên); du lịch tâm linh với hệ thống các công trình văn hóa như đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La (TP Tuyên Quang), đình Minh Cầm (Yên Sơn), đền Pác Tạ (Na Hang); du lịch lễ hội như Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Động Tiên - chợ Quê (Hàm Yên), Lễ hội Lồng tông, Lễ Cấp sắc của đồng bào Dao, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (Chiêm Hóa); du lịch cộng đồng tại Khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình...

    Tuy nhiên, kinh tế du lịch vẫn còn xa lạ với những người làm du lịch trong tỉnh. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, thì du lịch tỉnh ta hầu như mới chỉ dừng lại ở việc phát triển mang tính tự phát; sản phẩm du lịch thiếu sức cạnh tranh do đơn điệu, không có nét riêng... Hoạt động du lịch chưa có được sức hấp dẫn đối với du khách; ít có những đoàn khách lớn; thời gian lưu trú của khách du lịch không dài...

 

Khách du lịch trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền kayak trên Hồ sinh thái Na Hang.


    Ông Lê Quốc Thu, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm thừa nhận, suốt một thời gian dài, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm phát triển theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”: Việc quảng bá hình ảnh chưa được coi trọng, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức. Sau cả chục năm phát triển, tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm mới chỉ có 4 doanh nghiệp đầu tư, với 7 cơ sở lưu trú.

    Tận dụng sự khác biệt

    Ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho rằng, trong du lịch yếu tố nổi bật rất quan trọng nhưng sự khác biệt mới quyết định sự thành công trong phát triển. Ở góc độ này tỉnh ta đạt cả hai tiêu chí là sự nổi bật và khác biệt về giá trị thiên nhiên, giá trị lịch sử và văn hóa. Tại các địa phương, việc tận dụng sự khác biệt để thu hút khách du lịch cũng đang được quan tâm. Trong đó, Sơn Dương, Chiêm Hóa tập trung phát triển du lịch lịch sử; Yên Sơn, TP Tuyên Quang chú trọng phát triển du lịch tâm linh; Na Hang, Lâm Bình phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm...

    2 năm trở lại đây, du lịch Lâm Bình, Na Hang đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi du khách từng đặt chân đến đây. Để làm được điều này, quan điểm làm du lịch của 2 địa phương này là tận dụng thế mạnh của mình để tổ chức thực hiện. Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, huyện vừa được UBND tỉnh công nhận 4 điểm du lịch địa phương, bao gồm điểm du lịch Nà Đông, Nà Tông (Thượng Lâm), Nà Muông (Khuôn Hà), Nặm Đíp (Lăng Can).

    Trước đó, huyện đã xây dựng các mô hình Homestay trên địa bàn huyện; xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường và các điều kiện cần thiết phục vụ du khách, gắn với tour, tuyến du lịch, sản xuất các sản phẩm lưu niệm đặc thù địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức tập huấn để các hộ dân biết hướng dẫn khách có thể tham gia các công đoạn của nghề dệt; từng bước khôi phục nghề trồng bông, dệt vải, tạo sản phẩm từ bông nguyên bản bán cho du khách.

    Gia đình bà Ngô Thị Vân cùng với 3 hộ gia đình khác tại thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà bắt đầu chỉnh trang nhà cửa, đón khách du lịch đến nghỉ dưỡng từ tháng 2-2017. Bà Vân cho biết, mới đầu được vận động làm Homestay cũng nghĩ sẽ khó lắm, nhưng được chính quyền hướng dẫn, gia đình tận dụng hầu hết mọi thứ có sẵn, thức ăn sẵn trong vườn, thay chiếu bằng mành cọ, chăn đệm thổ cẩm do bà con tự dệt... Chỉ có khu nhà vệ sinh là xây dựng lại theo hướng tiện nghi, sạch sẽ để đáp ứng nhu cầu của khách.

    Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cũng đã phối hợp với Câu lạc bộ kayak Hạ Long, Hà Nội, Đà Nẵng... đưa dịch vụ chèo thuyền kayak khám phá hồ sinh thái Na Hang. Ngay sau chuyến khảo sát, hình thức du lịch này phát triển rất tốt tại 2 địa phương này. Hiện, mỗi địa phương hiện có từ 20 - 30 thuyền kayak phục vụ khách du lịch.

    Thay đổi tư duy làm du lịch

    Ngay sau Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các cấp, ngành liên quan đã xác định: Để du lịch Tuyên Quang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển du lịch.

 

Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm tại Hàm Yên.


    Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã tận dụng gần như mọi cơ hội để quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó, tham gia các hội nghị xúc tiến, quảng bá đầu tư du lịch tỉnh tại các hội chợ, triển lãm; phối hợp thực hiện chương trình Tiềm năng tỏa sáng của Kênh truyền hình VOV (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) “Tuyên Quang điểm đến của các nhà đầu tư và du khách”; phối hợp với chương trình S Việt Nam - Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng được 14 tập giới thiệu cảnh đẹp, ẩm thực, tập quán các dân tộc trên địa bàn tỉnh... Đề cử và bình chọn món “Bánh Trứng Kiến” huyện Lâm Bình lọt Top 20 món ăn ngon và mới lạ của Việt Nam.

    Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cũng liên tục mời các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước về khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch tại tỉnh. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, trung tâm cũng mời gọi hơn 20 doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu, xây dựng sản phẩm du lịch tại 3 địa phương là Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình, trong đó nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và bán được sản phẩm du lịch như Vietrantour, Thái Dương... Theo đánh giá của bà Đinh Nguyệt Ánh, Tổng Giám đốc Vietrantour, kiêm Giám đốc Chi nhánh Vietrantour tại Tuyên Quang, thị trường du lịch tại Na Hang, Lâm Bình rất khả quan. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đưa khoảng chục đoàn khách du lịch đến hai địa phương này, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.

    Chương trình hành động số 15-CTr/TU, ngày 27-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đặt mục tiêu, đến năm 2020, thu hút trên 2,2 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch đạt trên 6% GRDP, tạo việc làm cho trên 16.000 lao động ngành du lịch. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, để hình thành ít nhất 2 sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và khu vực, tỉnh đang tập trung xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào thành Khu du lịch Quốc gia. Ngành đang tập trung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào.

    UBND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn triển khai lập hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới; đề cử thành viên tham gia Tổ công tác xây dựng Hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang. Đồng thời, thực hiện văn bản số 1778/BVHTTDL-DSVH, ngày 27- 4-2017 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc đồng ý chủ trương cho phép tỉnh ta lập hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình trình Thủ tướng xem xét, xếp hạng danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tiến hành triển khai lập hồ sơ, dự kiến cuối tháng 8-2017 sẽ hoàn thành...

    Sự thay đổi về chiến lược quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch đã “kéo” được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư. Cụ thể, Tập đoàn Mường Thanh xây dựng Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang; Tập đoàn Vingroup xây dựng Vincom shophouse Tuyên Quang, đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Tuyên Quang tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đầu tư phát triển du lịch khu vực hồ sinh thái Na Hang...

    Đến hết tháng 6-2017, toàn tỉnh có 285 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 37 khách sạn được thẩm định xếp hạng từ 1 đến 2 sao, trên 150 nhà hàng ẩm thực, 7 công ty lữ hành đang hoạt động đưa, đón phục vụ khách du lịch. Qua 6 tháng, các khu, điểm du lịch đón 1,064 triệu lượt khách du lịch, đạt 74,1% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ; tổng thu xã hội từ du lịch đạt 926 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ.

    Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, nhiệm vụ trước mắt là đơn vị tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Lễ hội Thành Tuyên gắn với Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất; triển khai cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch” và “Sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu du lịch”...

Theo TQĐT

 


Bài viết liên quan