Đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển du lịch

Mục tiêu phát triển du lịch của Tuyên Quang đến năm 2020 là đón 2,2 triệu lượt khách và tạo việc làm cho khoảng 16.000 lao động ngành du lịch. Việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

      Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 13.000 lao động tham gia trong các hoạt động, dịch vụ du lịch. Trong đó, lượng lao động trực tiếp có trên 3.000 người. Với việc triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch”, hàng năm, tỉnh đã phối hợp Tổng cục Du lịch Việt Nam, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ. Điển hình như bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, buồng bàn bar, lễ tân, du lịch cộng đồng, quản lý khách sạn, nhà hàng. Trung bình mỗi năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mở từ 3 - 5 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ với sự tham gia của trên 300 lượt học viên là lao động trực tiếp trong ngành du lịch.

 

Hướng dẫn viên Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào giới thiệu với du khách
tại Lán Nà Nưa. Ảnh: Thu Trang

 


      Chị Lê Thị Ngần, lễ tân nhà nghỉ Minh Nguyệt 2, xã Thắng Quân (Yên Sơn) cho biết, chị vừa hoàn thành lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân năm 2017. Trong 4 ngày, các học viên được học các nội dung: Vai trò, nhiệm vụ của lễ tân khách sạn; cách nhận đặt buồng, đăng ký khách sạn; phục vụ khách trong thời gian lưu trú; thanh toán và tiễn khách... Các giáo viên tại lớp tập huấn đã giảng dạy lý thuyết đơn giản, dễ hiểu gắn với việc thực hành tại các cơ sở kinh doanh du lịch, giúp học viên dễ tiếp thu hơn.

     Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh đã có nhiều hình thức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Thành phố Tuyên Quang hiện có 25 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 3 sao. Đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp sẽ là cơ sở tạo nên thương hiệu và uy tín cho các cơ sở lưu trú. Anh Bùi Ngọc Tú, quản lý sảnh khách sạn Royal, 176A, đường Bình Thuận (TP Tuyên Quang) cho biết, nhân viên của khách sạn trước khi được tuyển dụng đều được tham gia tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm, cách ứng xử khi giao tiếp với khách.

     Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào (Sơn Dương) là một trong những điểm đến thu hút lượng khách du lịch nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào cho biết, hiện nay, Ban quản lý có 12 hướng dẫn viên, trong đó có 11 hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn đại học. Hàng năm, Ban quản lý luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Trong đó, tổ chức tập huấn, tổ chức hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi vùng ATK. Các hoạt động này diễn ra thường xuyên góp phần chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đầu năm 2017.


    Tuy nhiên trên thực tế, số lượng lao động du lịch còn thiếu, nhất là đội ngũ nhân lực qua đào tạo. Lao động du lịch của tỉnh nhiều nơi còn thiếu chuyên nghiệp, yếu về kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ phục vụ. Lao động có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp với khách du lịch nước ngoài còn ít. Anh Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hương Việt (TP Tuyên Quang) cho biết, một trong những khó khăn của doanh nghiệp là tìm kiếm đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhiều năm qua, Công ty phải thuê các cộng tác viên ở các địa phương khác đến hỗ trợ. Do đó, Công ty thường xuyên bị động trong việc điều phối nhân viên.

     Theo Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, đến năm 2020, phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành du lịch được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, 60% lao động du lịch trực tiếp được bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ. Chị Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới, ngành du lịch tỉnh đã phối hợp với các ban ngành liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp đồng bộ.

     Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện, thành phố, các ban quản lý du lịch và các xã có khu, điểm du lịch. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân. Bên cạnh đó, định kỳ tổ chức thi tay nghề trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên, thuyết minh...; có cơ chế, chính sách thu hút, tiếp nhận nguồn nhân lực ngoại tỉnh đã được đào tạo chuyên sâu về du lịch; mở ngành đào tạo du lịch tại Trường Đại học Tân Trào.

Theo http://baotuyenquang.com.vn/


Bài viết liên quan