Khu vực làng chài Phúc Yên.
Nếu du khách đi thuyền từ chân đập thủy điện Tuyên Quang phải mất hơn 5 tiếng lênh đênh trên hồ mới tới được làng chài Phúc Yên. Còn đi từ bến thủy Nà Tông, xã Thượng Lâm cũng mất chừng 3 đến 5 giờ. Cái hay của chuyến đi chơi xa là du khách đã phải chuẩn bị kỹ mọi thứ từ quần áo, thuốc men, đèn pin, máy ảnh… và tâm lý ngủ lại nhà bè trên lòng hồ. Vượt qua địa danh Cọc Vài, con thuyền hướng mũi ngược sông Gâm. Càng lên mạn ngược phong cảnh càng đẹp, lãng mạn. Hai bên lòng hồ là những ngọn núi cao quanh năm mây phủ. Hệ thống rừng nguyên sinh trải dài màu xanh ngút ngàn tầm mắt.
Ở lòng hồ, cứ một đoạn thắt eo lại mở ra một thung lũng lòng hồ rộng. Đi thuyền, du khách cảm nhận được những làn gió mát thổi liên hồi. Thuyền bắt đầu tiến vào làng chài Phúc Yên, khung cảnh lòng hồ rộng bao la. Ở đây có nhiều đảo đá, với nhiều hình thù khác nhau. Trên vách núi xung quanh hồ, hàng chục thác nước đổ xuống tung bọt trắng xóa. Mọi thứ ở đây còn rất nguyên sơ, hoang dại, trong lành. Một số đảo, những đàn cò, vạc quần tụ sinh sống. Người dân thường gọi với cái tên thân mật là “đảo cò”.
Làng chài Phúc Yên.
Dẫn du khách đi tham quan các đảo, anh Nguyễn Văn Diện, ngư dân làng chài Phúc Yên cho biết, trước đây, khu vực này thuộc xã Thúy Loa, khi di dân, vùng nước thuộc địa phận xã Phúc Yên (Lâm Bình) quản lý. Khu vực này hiện nay có gần 100 nhà bè của ngư dân tạo thành làng chài. Thường cứ 3 - 4 nhà ở quần tụ thành một xóm quanh thác nước, bởi thác nước vừa cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt, vừa thu hút nhiều loài cá tôm đến sống, kiếm mồi.
Nhà bè nổi neo đậu xung quang hồ thường được người dân lợp bằng lá cọ vừa nhẹ, vừa mát. Đi liền với nhà bè có hệ thống lồng nuôi cá đặc sản do quá trình đánh bắt được. Hầu như nhà nào cũng có 3 - 4 con thuyền để đi lại, khai thác cá tôm. Một số hộ dân mang gia súc, gia cầm ra các đảo thả, hầu như không phải đi chăn vì nguồn thức ăn cây cỏ, tôm cá khá dồi dào.
Công việc diễn ra mỗi buổi sáng của các ngư dân.
Vào buổi chiều, ngư dân làng chài đi thả lưới, sau đó về chuẩn bị bữa cơm tối. Đêm tối trên hồ, các nhà bè đều bật điện ắc quy với bóng đèn led tiết kiệm điện, có cả quạt nhỏ và đài. Rau ở đây luôn có sẵn, toàn rau rừng như: Rau dớn, măng nứa, rau ngót rừng, quả sổ, lá thấm lầm, ngọn đao. Cá thì có đủ loại, chủ yếu là cá đặc sản như: Cá bỗng, quả, lăng, chiên, chạch, chép. Chỉ có thịt lợn, bò, trâu, dê là người dân phải treo gác bếp sấy khô ăn dần. Anh Trần Hữu Kha, một du khách ở thành phố Hồ Chí Minh lên du lịch ở làng chài để chụp ảnh khẳng định, anh và nhiều du khách cảm thấy rất thích thú khi được tham quan, khám phá vẻ đẹp ở điểm du lịch này. Các loại thức ăn ở đây cũng lạ và hấp dẫn.
Khung cảnh làng chài Phúc Yên đẹp nhất vào khoảnh khắc hoàng hôn và bình minh. Các nhiếp ảnh gia chính là những người tiên phong khám phá ra vùng này rồi quảng bá rộng rãi cho công chúng biết. Qua các tác phẩm nhiếp ảnh, ai cũng muốn một lần được tới làng chài, cảm nhận trực tiếp mảnh đất, con người nơi đây.
Người dân làng chài Phúc Yên đánh bắt cá tôm trên Hồ sinh thái Nà Hang.
Ông Mạc Văn Tiến, ngư dân làng chài chỉ tay về phía mấy đảo đá tâm sự, thời gian gần đây chúng tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều thuyền du lịch của huyện Na Hang, Lâm Bình và cả huyện Bắc Mê (Hà Giang) ghé thăm làng chài. Họ ngủ lại nhà bè, thuê ngư dân thịt cá, nấu cơm. Bữa ăn homestay cùng người dân dân dã mà ngon miệng. Người dân sống trên làng chài tình cảm, chân thật, hiếu khách nên ai cũng quý. Cá tôm vùng lòng hồ ngon và rẻ, nhiều khách còn tranh thủ mua tôm về làm quà, giá khoảng 40 nghìn đồng/kg.
Theo Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang và UBND huyện Lâm Bình, trong thời gian tới, hai đơn vị sẽ phối hợp, tăng cường khai thác điểm du lịch homestay làng chài Phúc Yên. Xã Phúc Yên cũng tích cực tuyên truyền về cách làm du lịch homestay kết hợp làng chài trên hồ cho các ngư dân. Đồng thời, vận động nhân dân, du khách giữ gìn cảnh quan môi trường, góp phần đưa làng chài thành điểm du lịch sinh thái, khám phá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo baotuyenquang.com.vn